Xuất khẩu dệt may đón tín hiệu mừng

Xuất khẩu hàng dệt may bứt phá mạnh trong 10 ngày đầu tháng 3/2021.
Dệt may và da giày tìm cơ hội “bứt phá” trong đại dịch Covid-19 Xử phạt, truy thu thuế Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 10 ngày đầu tháng 3/2021 ước đạt 830 triệu USD, tăng hơn 230 triệu USD so với tuần trước và tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kong được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket đã tăng khá, số lượng các lô hàng đồ chống dịch ngày càng giảm.

Xuất khẩu dệt may đón tín hiệu mừng
Công nhân tại Nhà máy Tân Đệ 6, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, Thái Bình.

Theo dự báo của Bộ Công thương, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.

Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu.

"Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo", Bộ Công thương đánh giá.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2021, trong tình hình bình thường mới của thế giới, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.

Theo ông Trường, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

"Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020", ông Trường nhận định.

Văn Huy
Phiên bản di động