Doanh nghiệp lâm nguy vì Covid-19 “than” khó tiếp cận vốn vay, lãi suất còn treo cao
Nhiều ngân hàng chưa “mặn mà” giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Chỉ số ít nhà băng “tuân lệnh” của Ngân hàng Nhà nước
Trước sức tàn phá nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang dần cạn kiệt tài chính, đứng trên bờ vực phá sản. Lúc này, những dòng vốn từ ngân hàng với những mức lãi suất ưu đãi sẽ là nguồn trợ lực quý giá giúp doanh nghiệp hồi sinh.
Nắm bắt được sự khó khăn của doanh nghiệp, ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3947/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới,... theo thẩm quyền và theo quy định.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng ngân hàng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
VPBank giảm tới 2% lãi suất, tăng hạn mức vay tín chấp lên 3 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sau nửa tháng thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay mới chỉ số ít nhà băng thực hiện công khai mức lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước đó, Vietcombank là ngân hàng đi đầu trong đợt dịch mới này, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra công văn trên vài ngày, nhà băng này đã quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay và phí đối với khách hàng tại địa bàn Bắc Giang và Bắc Ninh trong thời gian 3 tháng từ 1/6/2021 đến hết 31/8/2021.
Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất cho vay tới 1,0%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng thời, ngân hàng cũng giảm phí lên đến 50% đối với khách hàng doanh nghiệp và miễn các loại phí cơ bản (gói tài khoản, phí rút tiền…) đối với khách hàng cá nhân.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaiGonBank) khi quyết định giảm lãi suất cho vay 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng đối với gói tín dụng 900 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lãi suất cho vay của chương trình này là 5,5%/năm. Thời gian cho vay kéo dài đến 31/8/2021.
Mới đây, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, khắc phục khó khăn do Covid-19, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã tiếp tục đẩy mạnh các gói vay không tài sản đảm bảo (vay tín chấp) với hạn mức tín dụng lên đến 3 tỷ đồng cùng lãi suất giảm tới 2%/năm.
Ngoài ra, một số nhà băng khác như Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Quân Đội (MB), Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) cũng cho biết, các đơn vị đang rà soát, kiểm tra và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến toàn bộ khách hàng trên toàn hệ thống, từ đó thực hiện kế hoạch ngân sách hỗ trợ khách hàng theo đúng chính sách của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.
Doanh nghiệp kiệt quệ chờ nguồn vốn trợ lực từ ngân hàng
Câu nói “một nắm khi đói bằng một gói khi no” có lẽ rất phù hợp với hoàn cảnh của các doanh nghiệp lúc này, những lúc khó khăn thế này thì dòng vốn từ ngân hàng với những mức lãi suất “đặc biệt” sẽ là nguồn sinh lực quý giá giúp doanh nghiệp chống chọi được với dịch bệnh.
Doanh nghiệp dệt may trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Một thực tế là đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay lãi suất thấp để giảm bớt khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã động thái yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các nhà băng vẫn đang là vấn đề khó của nhiều doanh nghiệp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội chia sẻ, ông rất hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, khi các ngân hàng thực hiện thì lại là một vấn đề nan giải. Trong đó, vấn đề khi xét duyệt hồ sơ cho vay, ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện, yêu cầu công ty phải chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới để chứng minh khả năng trả nợ.
"Nếu bình thường thì các phương án kinh doanh ra lợi nhuận thì không khó. Tuy nhiên, với bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, thực tế để chứng minh các phương án kinh doanh thuận lợi thì rất khó bởi tác động khách quan rất khó đánh giá, thương trường ai mà không muốn lãi nhưng rủi ro rất cao", vị này chia sẻ.
Trước đó, một số doanh nghiệp cũng “than thở” khó tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như hỗ trợ của các ngân hàng vì sự cứng nhắc của nhà băng trong việc xử lý các hồ sơ tín dụng. Điểm chung là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến chậm trả nợ, kinh doanh thua lỗ, có trường hợp phải “làm đẹp” báo cáo tài chính để được cho vay.
"Các đợt dịch Covid-19 làm chúng tôi kiệt quệ, công nhân phải nghỉ hàng loạt. Công việc bị đình trệ không có sản phẩm để giao dẫn đến bị hủy hợp đồng, không có doanh thu nhưng để tiếp cận các nguồn hỗ trợ của các ngân hàng cũng khó như lên trời do chậm trả nợ", lãnh đạo một doanh nghiệp thép ở Hà Nội chia sẻ.
Các doanh nghiệp có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh kéo dài chưa biết bao kết thúc thì nguồn vốn rất quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, mật độ không thường xuyên nhưng họ cũng có thể kéo dài "sự sống". Tuy nhiên vẫn rất khó tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, có doanh thu lợi nhuận... nhưng lúc này để tồn tại được còn cả là một vấn đề chứ chưa mơ đến lãi lời.
"Mong muốn của chúng tôi cũng như đa số doanh nghiệp hiện nay là được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện duy trì sản xuất, phục hồi kinh doanh", đại diện một doanh nghiệp may mặc chia sẻ.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vừa công văn về việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo yêu cầu tại văn bản ngày 3/6 của Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của đơn vị mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác. Các tổ chức tín dụng cũng phải công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.