Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lại "kêu cứu" Chính phủ
Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh từ 15h, chiều 11/5 Một công ty xăng dầu bị phạt nặng vì bán hàng kém chất lượng |
Ngày 15/5, nhóm các doanh nghiệp bán lẻ đã gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới về xăng dầu do gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định trong Nghị định luôn bất lợi đối với doanh nghiệp bán lẻ.
Theo đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, họ đang gặp rất nhiều khó khăn do quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 95) có nhiều bất lợi.
Theo phản ánh, quá trình xây dựng Nghị định số 95, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý kiến, mặc dù đây là thành phần rất lớn tham gia thị trường. Hệ quả là các quy định trong Nghị định được xây dựng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp đầu mối.
Các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, doanh nghiệp đầu mối chỉ thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ, nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Có như thế mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, Nghị định 95 lại xây dựng theo hướng coi doanh nghiệp bán lẻ nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối, từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng ra khi giá có xu hướng giảm. Họ điều hành hoạt động này bằng đặc quyền riêng của họ mà không hề bị phạt hay quy trách nhiệm.
Chính điều này khiến doanh nghiệp đầu mối áp dụng triệt để bằng công cụ chiết khấu lên xuống với độ chênh lệch rất lớn theo dạng "ban phát", tự ý hạ chiết khấu bằng 0 đồng khi cần thiết và nâng lên trên 1.000 đồng/lít nếu muốn xả hàng ra để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu. Điều này khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn thua thiệt và ở thế bị động về nguồn hàng, xung đột về lợi ích với các doanh nghiệp đầu mối.
Đồng thời, suốt thời gian qua, Nghị định số 95 quy định không rõ ràng nên doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, khiến các doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài.
Bên cạnh đó, Nghị định số 95 quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua của một nguồn khiến nhiều doanh nghiệp lập công ty con để đối phó. Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 – 4 con dấu, phải điều phối vốn giữa các doanh nghiệp…
Thời gian qua, Bộ Công thương đã tiến hành sửa đổi Nghị định số 95 và đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định.
Theo các doanh nghiệp, dự thảo Nghị định lần cuối cần đăng tải công khai để cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ cùng góp ý nhằm phát hiện những điều bất hợp lý trước khi ban hành chính thức để trách những hệ lụy đáng tiếc như đã xảy ra với Nghị định số 95.
“Càng để kéo dài việc sửa đổi Nghị định thì càng có lợi cho doanh nghiệp đầu mối và việc độc quyền nhóm sẽ có cơ hội duy trì tận dụng sự chậm trễ này và bất ổn thị trường xăng dầu có thể xảy ra”, do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm ban hành nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong quý II/2023, không nên chậm trễ hơn để giúp ngành xăng dầu ổn định, hiệu quả, công bằng.
Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg hồi đầu năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định.
Hồi tháng 2/2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về liên quan đến dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh về xăng dầu.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
“Bộ Công thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng 2/2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả”, văn bản nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu; giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua, không được để chậm trễ.