Đình chỉ thi công tại dự án 100 triệu USD của Công ty SEOJIN SYSTEM tại Bắc Giang
Tuổi trẻ và Pháp luật đã phản ánh về việc Nhà máy SEOJIN Việt Nam do Công ty SEOJIN SYSTEM đến từ Hàn Quốc làm chủ đầu tư chuyên sản xuất nhôm dạng thỏi và tái chế phế liệu sắt, thép, gang, thiết bị điện tử... dù ĐTM chưa được phê duyệt nhưng đã ngang nhiên xây dựng hàng loạt nhà xưởng trong hơn 1 tháng qua tại KCN Song Khê - Nội Hoàng thuộc TP Bắc Giang trên diện tích 38,8 ha.
Ngang nhiên thi công xây dựng khi chưa có ĐTM được phê duyệt |
Ngay sau đó, ông Vũ Văn Tưởng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã ký văn bản số 1656/TNMT-BVMT gửi chủ đầu tư dự án yêu cầu tạm dừng triển khai xây dựng do chưa có ĐTM.
Nội dung văn bản nêu rõ, việc dự án triển khai thực hiện khi chưa có báo cáo ĐTM được cơ quan thẩm quyền phê duyệt là không đúng với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại khoản 2, Điều 19 Luật bảo vệ môi trường.
Sở TN&MT yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép tiếp tục triển khai dự án khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ĐTM và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Trước đó, như đã thông tin về việc Công ty SEOJIN SYSTEM đến từ Hàn Quốc đã ngang nhiên tiến hành xây dựng hàng loạt nhà xưởng với quy mô "khủng" trên trên Lô B1, B2, B3, B6, B7 tại khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, TP Bắc Giang với tổng diện tích khoảng 38,8274 ha.
Công trình khủng được thi công xây dựng công khai |
Được biết, dự án này được thi công với tốc độ thần tốc, ồ ạt dù chưa có ĐTM nhưng không hiểu do được đơn vị nào "bật đèn xanh" mà đã triển khai xây dựng hơn 1 tháng qua.
Theo tìm hiểu của nhóm PV, ngày 11/3/2019, ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư SEOJIN SYSTEM CO.,LTD do ông JUN DONGKYU làm đại diện theo pháp luật. Ngay sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục được Ban quản lý các KCN cấp giấy phép xây dựng dù ĐTM chưa được phê duyệt.
Ban quản lý các KCN Bắc Giang là đơn vị cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng |
Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ chuyên sản xuất, gia công, tái chế kim loại, sắt, nhôm, gang và sản xuất thiết bị điện tử... với tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Trước sự việc trên, PV đã liên hệ làm việc với Ban quản lý các KCN để làm rõ trách nhiệm khi để nhà đầu tư xây dựng hàng loạt công trình khi chưa có ĐTM cũng như quy trình thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án, cấp phép xây dựng đã đảm bảo đúng quy định pháp luật hay chưa.
Cơ quan nào đang "bật đen xanh" để doanh nghiệp vi phạm pháp luật? |
Tuy nhiên, với lý do ông Nguyễn Anh Quyền đi vắng nên cán bộ của đơn vị này đề nghị PV để lại câu hỏi để báo cáo lãnh đạo và sẽ liên hệ trả lời sau.
Tương tự, Sở Xây dựng Bắc Giang khi được hỏi về việc cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp khi chưa có ĐTM là đúng hay sai thì một cán bộ của Sở này cho biết là thẩm quyền cấp phép xây dựng dự án này thuộc về Ban quản lý các KCN nên Sở không nắm được thông tin.
Nếu không có sự làm ngơ của cơ quan quản lý nhà nước thì doanh nghiệp không thể xây dựng được hàng loạt công trình nhanh như vậy |
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Tưởng cho biết ĐTM của dự án này chưa được phê duyệt và việc doanh nghiệp tiến hành xây dựng khi ĐTM chưa có là không đúng quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận phản ánh của PV thì đại diện lãnh đạo Sở TN&MT cho biết sẽ kiểm tra và đình chỉ ngay hoạt động xây dựng của doanh nghiệp này.
Máy móc, công nhân được huy động tối đa để triển khai xây dựng |
Trước đó, vào năm 2017, một vụ việc tương tự đã xảy ra tại KCN Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Theo đó, dự án sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng hàng trăm triệu USD của Công ty TNHH Ja Solar Việt Nam, dù chưa có ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt nhưng do chủ đầu tư đã có giấy phép xây dựng do Ban quản lý các KCN cấp nên đã cho thi công xây dựng. Hậu quả, Bộ TN&MT đã ra Văn bản yêu cầu đình chỉ thi công. Phải mất hơn 8 tháng sau, dự án mới hoàn thiện được ĐTM và nhà đầu tư, theo tìm hiểu của PV, thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì chậm tiến độ và bị các đối tác phạt hợp đồng vì không ra được sản phẩm đúng hạn.
Liệu UBND tỉnh Bắc Giang có đủ thẩm quyền khi phê duyệt ĐTM của dự án này không? |
Việc Sở TN&MT Bắc Giang đình chỉ dự án xây dựng này khi chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng hơn 1 tháng nay và Hội đồng thẩm định ĐTM của tỉnh Bắc Giang vừa mới họp để thông qua phải chăng chỉ là "nước cờ" tạm thời, chờ ĐTM được phê duyệt?.
Trao đổi với PV về thẩm quyền phê duyệt ĐTM của dự án thuộc tỉnh Bắc Giang hay Bộ TN&MT, luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu do Ban quản lý các KCN cấp, quy mô dự án rất "khủng" với tổng số các loại sản phẩn được xuất xưởng lên tới hàng triệu sản phẩm trên năm thì thẩm quyền phải thuộc về Bộ TN&MT.
Trích dẫn số liệu, luật sư Diện phân tích: Chỉ riêng việc sản xuất hợp kim gang, thép, sắt đã đạt công suất 100.000 tấn/năm, cộng với tái chế phế liệu sắt, thép, gang, nhôm 80.000 tấn/năm và sản xuất nhôm thỏi 30.000 tấn/năm, cùng với sản xuất, gia công tới 300 triệu các sản phẩm mỗi năm đối với các khung, linh kiện cho ôtô và hàng năm còn sản xuất hơn 500 ngàn các sản phẩm cơ khí quy mô khác nữa... như vậy tổng công suất của nhà máy này cực kỳ lớn, nguy cơ ô nhiễm rất cao, lại kề cận các doanh nghiệp khác đang hoạt động ở khu vực này.
Không những thế, trong dự án này còn có hoạt động tái chế tới 80 ngàn tấn sắt, thép phế liệu và nhôm phế liệu, với hoạt động tái chế phế liệu gang, sắt, thép, nhôm thì bắt buộc phải sử dụng các lò nung với mức nhiệt rất cao, phải sử dụng vật liệu đặc biệt cho các lò nung và định kỳ hàng tháng phải dừng ít nhất 5 ngày để thay thế các vật liệu cách nhiệt, bảo dưỡng lò... do đó mỗi năm các lò nung này chỉ có thể hoạt động tối đa 280 ngày, đó là chưa kể tới việc công nhân và nhà máy phải nghỉ tối thiểu 4 ngày mỗi tháng và các ngày nghỉ lễ trong năm, nghỉ để bảo dưỡng máy móc trang thiết bị hàng năm... như vậy trung bình mỗi ngày nhà máy này tái chế phế liệu sắt, thép, nhôm với công suất khoảng trên 286 tấn/ngày đêm, dự án đã phạm vào điểm 8 của Phụ lục III của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Chỉ riêng với quy mô này thôi thì dự án đã chắc chắn thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT, chưa kể việc sản xuất gia công và đúc, luyện sắt thép, phôi nhôm tới trên 500 ngàn tấn sản phẩm/năm sẽ cần rất nhiều nước đầu vào, nhưng khi nhà máy thải nước ra (ngay gần đó là con sông Thương), liệu chúng ta có giám sát được chất lượng nước hay không bởi ngành luyện sắt thép, phôi nhôm cần rất nhiều hóa chất độc hại?
Cuối cùng, tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ như thế này, cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang ở đâu khi để Chủ đầu tư SEOJIN SYSTEM ngang nhiên vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như vậy? Cả một công trường xây dựng rất lớn tại thành phố Bắc Giang, thủ phủ của tỉnh Bắc Giang, chỉ cách trụ sở của UBND thành phố và UBND tỉnh Bắc Giang chừng 2 km, ngay gần khu dân cư của xã Tân Tiến, khu dân cư xã Đồng Sơn, khu dân cư xã Tiền Phong và xây dựng ngay cạnh đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang mà phải đợi tới khi doanh nghiệp xây dựng được hơn 1 tháng, Sở TN&MT mới phát hiện ra và tuýt còi "đình chỉ". Phải chăng có sự thông đồng hay lợi ích nhóm ở đây?.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.