Đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong công viên - Bài 2: Đừng viện cớ xây bãi xe để “xẻ thịt” công viên!
Thiếu bãi đỗ xe ở Hà Nội không phải câu chuyện mới. Theo thống kê của liên ngành giao thông vận tải - Công an Hà Nội thì thành phố thiếu nhiều bãi đỗ xe công cộng và mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân. Trên địa bàn thành phố có hơn 1.100 bãi, điểm trông giữ xe. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 500 điểm là được Sở GTVT và các quận huyện cấp phép, còn lại (khoảng 600 điểm) là hoạt động “chui”.
Việc thiếu bãi đỗ xe hiện hữu như ban ngày, quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy tại nhiều chung cư, khu đô thị, xe ôtô đỗ tràn lan chiếm nhiều diện tích đường giao thông, thậm chí chiếm hết sân chơi của trẻ em.
Từ thực trạng đó, chính quyền thành phố đã và đang huy động toàn bộ lực lượng để giải bài toán thiếu bãi đỗ xe. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có những phương án khả thi nhưng cũng có nhiều “tối kiến” được đưa ra. Và thực tế là những phương án hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đều được người dân ủng hộ còn những “tối kiến” thường vấp phải sự phản đối của người dân.
Đơn cử như đề xuất xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong lòng công viên Cầu Giấy.
Mới đây, cư dân sống quanh công viên Cầu Giấy đã làm đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong lòng công viên Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khu vực cổng công viên Cầu Giấy từ lâu cũng là điểm dừng đỗ yêu thích của nhiều lái xe.
Đơn kiến nghị khẳng định, đề xuất xây dựng dự án bãi đỗ xe này là bất hợp lý. Thứ nhất, việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên Cầu Giấy sẽ làm phá vỡ quy hoạch ban đầu, cảnh quan kiến trúc tổng thể của công viên, chưa kể xung quanh khu vực này đã có 5 bãi đỗ xe (nhưng chưa được xây dựng hoặc đang bị sử dụng sai mục đích).
Đơn kêu cứu của người dân cũng nêu, ngay phía đối diện công viên Cầu Giấy đang có 2 thửa đất công rất rộng đang cho tư nhân thuê bán bia hơi; các vùng lân cận cũng có nhiều mảnh đất đang để trống hoặc sử dụng sai mục đích như làm sân tenis, sân bóng đá, nhà hàng… nhưng không được đề xuất xây dựng bãi đỗ xe mà công viên Cầu Giấy lại đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt”.
Viễn cảnh tắc đường, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông… là những gì người dân sống quanh công viên Cầu Giấy có thể phải đối mặt.
Bên cạnh đó, nếu dự án này được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ đi ngược với chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của thành phố Hà Nội.
Một phần nội dung đơn kêu cứu của người dân sống gần công viên Cầu Giấy.
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ xây thêm 25 công viên đồng thời tiến hành duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm 122 hồ nội thành. Duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ.
Chưa hết, tại nhiều hội nghị về quản lý đô thị, phát triển cây xanh Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định, thành phố sẽ tập trung bảo tồn, gìn giữ, phát triển không gian xanh, công viên, vườn hoa, hệ thống cây xanh đô thị.
Hiểu nôm na thì Chủ tịch thành phố Hà Nội khuyến khích việc trồng cây, cải thiện không khí, tạo nên thành phố xanh sạch đẹp. Để làm được việc này cần phải tích cực tăng diện tích cây xanh, diện tích mặt nước và cần thiết phải giữ nguyên hiện trạng công viên hay hồ nước trong thành phố. Thế nhưng đề xuất xây bãi đỗ xe như đã nói ở trên thì lại đi ngược lại.
Thiết nghĩ, “ý tốt” xây dựng bãi đỗ xe cần phải được đặt đúng vị trí. Đừng viện cớ xây bãi đỗ xe để “xẻ thịt” công viên!
Đề xuất xây dựng dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong lòng công viên Cầu Giấy do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất với vốn đầu tư dự kiến là 566 tỷ đồng.
Dự án có quy mô chiếm đất 14.500m2 với 3 tầng hầm, 1 nhà điều hành trên mặt đất (diện tích 725m2, cao 9m). Tầng hầm 1 của dự án có chức năng dịch vụ thương mại diện tích 12.000m2, gồm các khu tập thể thao gym, khu vui chơi trẻ em, rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức sự kiện…
Tầng hầm 2, 3 là bãi đỗ xe ngầm diện tích 24.000m2, công suất 874 xe. Diện tích các công trình kĩ thuật phụ trợ là 8.225m2.