Đề nghị có các quy định xử lý triệt để sở hữu chéo, thao túng ngân hàng
Chính phủ yêu cầu khẩn trương báo cáo phương án xử lý các ngân hàng yếu kém "Căn bệnh ế tiền" của ngân hàng đang có chuyển biến tích cực |
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu các quy định về người có liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng phải hướng tới mục tiêu xử lý được vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng.
Các quy định phải trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, có điều khoản chuyển tiếp phù hợp, hạn chế hiệu ứng tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài, có chế tài đối với các trường hợp vi phạm bảo đảm tính răn đe, gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm túc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các đơn vị nghiên cứu thêm các quy định để xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo để bảo đảm minh bạch, hiệu quả và quản lý, giám sát được hoạt động của tổ chức tín dụng (doanh thu, chi phí, hạch toán lãi phải thu, lợi nhuận, phân bổ lợi nhuận, trích lập dự phòng, chế độ kế toán, kiểm toán...).
Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu luật hóa tối đa các hướng dẫn về hạch toán lãi phải thu đã áp dụng ổn định thời gian qua, bảo đảm phản ánh đúng thực trạng tài chính của tổ chức tín dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện các quy định về cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán, chiết khấu, công ty con của tổ chức tín dụng, lãi suất và phí trong hoạt động kinh doanh...; đối với hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại nên cân nhắc theo hướng gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo dự án luật cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng để quy định khả thi, kiểm soát rủi ro nhưng bảo đảm ra quyết định nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tốc độ thông tin trong thời đại kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ, khắc phục bất cập trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thời gian qua.
Đồng thời cũng cần đánh giá kỹ tác động của quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, bảo đảm hạn chế tối đa rủi ro và thiệt hại; nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về nội dung này, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ngân hàng thương mại của Mỹ, Thụy Sỹ và một số nước trong năm 2022, năm 2023.