"Căn bệnh ế tiền" của ngân hàng đang có chuyển biến tích cực
Kỳ vọng tín dụng tăng mạnh sau khi 2 dự án luật quan trọng được thông qua Nghịch lý ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn đói vốn |
Chiều 4/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 29/9, tăng trưởng tín dụng đạt 6,92% so với cuối năm ngoái.
Như vậy, so với mức 5,56% tính đến ngày 15/9, tăng trưởng tín dụng đã thêm 1,36 điểm % trong chưa đầy nửa tháng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù tín dụng vẫn tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với năm ngoái và cùng kỳ các năm nhưng đã có những điểm tích cực, tín dụng đã có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây.
"Đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm. Tuy nhiên, có một yếu tố tích cực là tín dụng đã tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước... Tín dụng với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao", ông Hà nói.
Ảnh minh họa. |
Trước đó, tại họp báo Chính phủ diễn ra ngày 30/9, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra vấn đề mở rộng tín dụng thông qua nhiều giải pháp lớn.
Thứ nhất, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tạo thanh khoản, dư địa cho tổ chức tín dụng. Không có câu chuyện thiếu room tín dụng cũng như các ngân hàng thương mại rất thoải mái nguồn lực cho vay. Ngân hàng sử dụng công cụ để tạo nguồn lực, hạ lãi suất để đầu vào của doanh nghiệp được giảm thấp.
Thứ hai, hạ lãi suất điều hành 2% cho 4 lần từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước. Thông điệp cũng như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng là phải hạ lãi suất cho vay. Điều này đang diễn ra rất tích cực, nhất là 1 tháng gần đây.
Thứ ba là rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật (như Thông tư 06 là một điển hình) tạo dư địa pháp lý cho các tổ chức tín dụng cung ứng sản phẩm mới, tạo thêm cạnh tranh, điều kiện cho vay nhiều hơn, đồng thời cũng tạo thêm điều kiện buộc các ngân hàng thương mại phải tính đến câu chuyện giữ khách hàng và hạ lãi suất.
Thứ tư là tái cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nếu còn khó khăn. Cụ thể, với Thông tư 42 ngay từ đầu năm, đến nay có hơn 120 nghìn tỷ đồng đã được thực hiện.
Thứ năm là gói tín dụng chuyên đề của Chính phủ cũng như của ngân hàng như gói 40 nghìn tỷ đồng của ngân sách để hỗ trợ 2% lãi suất, gói 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở xã hội, gói 15 nghìn tỷ đồng cho kinh doanh thủy sản cũng như xuất khẩu gỗ (hiện nay đã cho vay được gần 6 nghìn tỷ trong gói 15 nghìn tỷ). Nếu như dùng hết gói 15 nghìn tỷ này, chúng tôi lại chỉ đạo các ngân hàng thương mại sẵn sàng cung ứng để giải quyết những khó khăn trước mắt cho 2 lĩnh vực này.
Thứ sáu là cải cách thủ tục hành chính, hạ phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, các thành phần kinh tế để tháo gỡ vướng mắt ngay tại cơ sở; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành nghề, hiệp hội về cơ chế chính sách…