Đẩy lùi cái xấu bằng… “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”
Giới trẻ với an toàn không gian mạng
Internet, mạng xã hội hiện nay rất phát triển và có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống. Điện thoại thông minh trở thành vật không thể thiếu của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh những lợi ích internet, mạng xã hội mang lại thì cũng có những mặt tiêu cực đi kèm như tạo nên trào lưu sống ảo; dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch, xấu, độc,… từ đó xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là vi phạm pháp luật.
Toàn cảnh chương trình đối thoại
Để nâng cao kỹ năng tham gia mạng xã hội an toàn, lành mạnh và đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng cho thanh niên, T.Ư Đoàn sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào trong thời gian tới? Đây là câu hỏi được rất nhiều bạn đoàn viên, thanh niên quan tâm như: bạn Phan Nguyễn Lam Giang, Phường Nam Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; Thượng sĩ Bùi Đình Việt, Học viên, Đại đội 71, Tiểu đoàn 7, Học viện Phòng không - Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân; Đỗ Thanh Nga, đoàn viên phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ …
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, T.Ư Đoàn đang quan tâm và có nhiều phương thức, giải pháp triển khai thời gian vừa qua giúp đoàn viên thanh niên có phương thức ứng xử hợp lý trên mạng xã hội. Trong đó, có cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp". Bên cạnh việc chia sẻ những câu chuyện cá nhân, mỗi bạn trẻ chia sẻ thêm những điều tích cực trong xã hội. Theo cách cảm nhận của mỗi bạn về câu chuyện đẹp, tích cực gặp được trên đường đến trường học… Mỗi ngày một tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp sẽ góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, T.Ư Đoàn tăng cường tổ chức các diện đàn để định hướng, thông tin hiệu quả tới các bạn trẻ. Không gian mạng nhiều thông tin, quan trọng là tiếp cận thông tin và hành xử thông tin đó ra sao. Chúng ta ứng xử phù hợp sẽ ngăn chặn những tin xấu, sau lệch. Điều này không chỉ bảo vệ bản thân mỗi bạn mà góp phần bảo vệ gia đình, người thân và bạn bè.
Được việc, được người
Đoàn viên, thanh niên chia sẻ ý kiến tại chương trình
Đối với thắc mắc của bạn Bạn Ma Văn Hậu, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về những yêu cầu khi thực hiện công trình phần việc thanh niên. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết: “Công trình phần việc thanh niên là một trong những phương thức triển khai hoạt động Đoàn, trong đó có hoạt động tình nguyện. Với công trình thanh niên chúng tôi xác định 3 tiêu chí: Được việc, được người, được tổ chức. Được việc là tiêu chí đầu tiên, công trình đó phải hướng đến phần việc cụ thể không chung chung và phải giải quyết được vấn đề cuộc sống đòi hỏi, mang lại giá trị thiết thực. Được người là phát huy cao nhất khả năng, năng lực các bạn thanh niên khi tham gia hoạt động này. Được tổ chức: Thông qua công trình, phần việc thanh niên sẽ tạo lan tỏa hình ảnh của tổ chức đoàn, nâng uy tín của tổ chức trong xã hội”.
Công trình thanh niên phải thiết thực, không chấp nhận công trình chỉ biểu tượng, người tham gia phát huy cao nhất khả năng và tổ chức Đoàn phải khẳng định được tính thiết thực, hiệu quả. Vì vậy T.Ư Đoàn yêu cầu công trình là sự lựa chọn những vấn đề xã hội đang cần, lĩnh vực mà thanh niên phải xung kích tham gia sức trẻ để giải quyết; tuỳ vào quy mô, điều kiện mà Đoàn thanh niên các cấp cần triển khai hiệu quả.