Dân nói BOT T2 đặt sai vị trí, Bộ GTVT có thật sự lắng nghe?
Cầu BOT bị sập sau 3 tháng dừng thu phí Mở hộ lan trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ: Đơn vị quản lý lên tiếng Bộ Giao thông yêu cầu kiểm soát thu chi tại các dự án BOT giao thông |
Cầu Vàm Cống - cây cầu dây văng thứ hai vắt qua sông Hậu đã chính thức thông xe nối liền Cần Thơ – Đồng Tháp. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, Trạm thu phí BOT T2 trên Quốc lộ 91 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) lại đối mặt với sự phản đối của các chủ phương tiện tham gia giao thông.
Người dân cho rằng việc đặt trạm tại đây thiếu công bằng và thiếu minh bạch, bởi sự tính toán “nắm đằng chuôi” của chủ đầu tư. Cho dù hiện nay Bộ Giao thông Vận tải quyết định tạm dừng thu phí để thống kê xe qua trạm nhằm thực hiện chính sách miễn giảm nhưng “lòng dân” vẫn không yên.
Phản ứng của các chủ phương tiện khi đi qua trạm thu phí. |
Sự tranh luận nảy lửa, những phản ứng trái chiều, tiếng còi xe liên hồi, tiếng hò reo của các chủ phương tiện khi xả trạm do ùn tắc kéo dài… đã tạo nên khung cảnh hỗn loạn ở khu vực BOT T2. Thời điểm này, lực lượng Công an tại Thành phố Cần Thơ được tăng cường nhưng chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và giải tỏa giao thông mỗi khi ùn tắc.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang cho biết, sở dĩ trạm thu phí BOT T2 bị ''thất thủ" là do sự thiếu công khai minh bạch, chưa được sự ủng hộ của nhân dân.
"Cầu Vàm Cống thông xe là niềm vui rất lớn đối với tỉnh An Giang, từ đó vận chuyển hàng hoá, đi lại được nhanh chóng, chúng tôi rất trân trọng. Sau khi cầu Vàm Cống thông xe, thì trạm thu phí nó là vật cản đối với việc phát triển kinh tế của An Giang; An Giang phải chịu ảnh hưởng rất lớn, vì muốn qua cây cầu thì phải qua trạm, phải thu phí, tính về kinh tế là thiệt hại rất lớn. Trước đây chúng tôi tạm chấp nhận là giảm thu phí 50% cho hơn 7000 xe, nhưng nay tình hình lại khác, diễn biến phức tạp. Hiện nay người dân rất bức xúc, bởi vì mức phí thu cao quá, hiện nay đi tối đa chỉ 300m, vậy tính theo tỷ lệ thì không bao nhiêu tiền", ông Xuân nói.
Lực lượng Công an được tăng cường nhưng chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và giải tỏa giao thông mỗi khi ùn tắc.
Trạm thu phí BOT T2 bị ''thất thủ" là do sự thiếu công khai minh bạch. |
"Nhùng nhằng trong việc đề ra giải pháp"
Trước sự ùn tắc liên tục, ảnh hưởng giao thông ở khu vực xung quanh trạm thu phí này, chiều 25/5, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho xả trạm T2 để đảm bảo an ninh, trật tự cho khu vực.
Trong thời gian này, Tổng cục Đường bộ phối hợp với các địa phương liên quan cùng chủ đầu tư tiến hành rà soát, xem xét việc miễn, giảm phí mới cho người dân tỉnh Đồng Tháp; tiếp tục xem xét các trường hợp được miễn, giảm của người dân tỉnh An Giang và TP Cần Thơ.
Tuy nhiên, giải pháp này, nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải không đồng tình.
Ông Mai Bá Thiện, Phó Chủ nhiệm HTX vận tải Quang Thanh ở tỉnh An Giang cho rằng: "HTX của tôi có 200 xe tải, tính mức đóng phí như hiện nay thì hàng năm phải chi số tiền rất lớn. Khi mà cầu Vàm Cống hoàn thành thì nó đi đến một cái bất hợp lý; Từ An Giang đi xuống chỉ sử dụng có 300m thôi mà lại đóng phí, như 1 chiếc xe tải của tôi, mặc dù đã miễn giảm 50% nhưng vẫn đóng 70.000đ/1 xe, vậy một tua chúng tôi phải đóng 140.000 đồng một tháng tụi tôi phải mất 1,4 triệu đồng, một năm là mất gần 20 triệu/1 đầu xe, nếu nhân cho 200 xe thì số tiền này không phải nhỏ, mất doanh thu của tụi tôi rất cao, không phải một mình HTX tôi mà cả An Giang là gần 7.000 chiếc thì thiệt hại bao nhiêu."
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91 và 91B theo hình thức BOT với vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng. Dự án có 2 trạm thu phí, gồm trạm T1 (đặt tại quận Ô Môn) và trạm T2 (đặt tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - giáp ranh tỉnh An Giang).
Theo đó, tài xế đi trên tuyến QL91 và 91B từ Cần Thơ đi An Giang, nếu mua vé tại trạm T1 thì sử dụng chính vé này qua trạm T2 và ngược lại. Hai trạm này hoạt động vào năm 2016, thu phí từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt phương tiện. Trạm T2 nằm ở cuối QL91, sát nút giao với QL80 (ngã ba Lộ Tẻ) từ Kiên Giang lên. Phương tiện từ QL80 đi vào Long Xuyên bắt buộc phải qua trạm T2 và mua vé cho toàn tuyến đường nâng cấp QL91 dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn. Chính vì vậy, từ khi đưa vào sử dụng, trạm T2 liên tục bị tài xế, doanh nghiệp phản ứng gay gắt.
Ông Lê Thành Mẫn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Huệ, tỉnh An Giang nêu rõ: "Tôi nói không chỉ doanh nghiệp chúng tôi thiệt đâu, mà thiệt cho đầu tư kinh tế xã hội của tỉnh; An Giang có nhiều khu du lịch tâm linh, hàng năm hàng triệu du khách đến đây, mà An Giang tập trung phát triển kinh tế lấy du lịch là mũi nhọn, những công ty lữ hành ai mà đi cầu Vàm Cống. Anh thu trên xe như này thì người ta kiếm đường khác để đi, thu như này là kẹt cho phát triển kinh tế của tỉnh. Có cầu miễn thu phí mà tự nhiên qua một đoạn đường này lại phải trả phí cực kỳ vô duyên. Rất là mâu thuẫn, Thủ tướng đã nói và Sở GTVT cũng họp 10 lần rồi, nhưng làm thế này dân mất lòng tin".
Liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí T2, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết, ngày 22/5 Hiệp hội một lần nữa đã có văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề xuất hướng xử lý trạm T2. Theo ông Xuân, ngay từ khi trạm chuẩn bị xây dựng tại địa điểm đang tọa lạc, Hiệp hội đã 15 lần kiến nghị liên tiếp, Bộ GTVT có công văn đặt ra việc miễn giảm. Tuy nhiên, về phía Hiệp hội nhận thấy đây chỉ là giải pháp tình thế, vẫn tạm chấp nhận do lượng phương tiện của tỉnh An Giang lưu thông về tuyến đường này chưa nhiều.
Tuy nhiên khi cầu Vàm Cống khánh thành vào ngày 19/5, thì tỉnh An Giang bị ảnh hưởng hầu như toàn diện do lượng phương tiện các loại qua cầu Vàm Cống đi TP.HCM với lưu lượng rất lớn. Trong khi đó, tại văn bản kiến nghị, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang nêu rõ, cầu Vàm Cống được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc nên phương tiện lưu thông qua cầu được miễn thu phí. Nhưng, trạm T2 dù nâng cấp và mở rộng 40 km trên quốc lộ 91, nhưng lại thu phí những phương tiện chỉ qua đoạn ngắn như nêu trên là điều bất hợp lý.