Đại gia Vũ Văn Tiền bắt tay đối tác Trung Quốc xây nhà máy ô tô tại Thái Bình
Việt Nam chi hơn 2,2 tỷ USD nhập khẩu ô tô |
Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng của Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo tại Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên xe năng lượng mới của Trung Quốc vào Việt Nam xây dựng nhà máy.
Được biết, hai bên đã lập kế hoạch xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD.
Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2024 và hoàn thành vào quý I/2026. Trong quá trình xây dựng nhà máy, Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2024.
Đại diện Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký kết hợp đồng liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam. |
Theo dự kiến, mẫu xe thuần điện thông minh crossover SUV OMODA E5 và mẫu xe việt dã công nghệ JAECOO 7 PHEV sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco cho biết, việc ký kết hợp đồng liên doanh không chỉ là một hợp đồng hợp tác đơn thuần, mà còn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng và gắn kết chặt chẽ giữa hai tập đoàn, là minh chứng cụ thể cho sự hợp tác ngày càng hữu hảo giữa hai đất nước láng giềng gần gũi Việt Nam và Trung Quốc hiện nay cũng như trong thời gian tới.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco, với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD, chia làm 3 giai đoạn, đây là dự án hợp tác có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp ôtô giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Công thương tham dự lễ ký kết hợp đồng liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam. |
Tham dự và phát biểu tại buổi ký kết, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sản xuất và lắp ráp xe ô tô chạy bằng động cơ điện và động cơ sử dụng nhiên liệu đốt kèm có nguồn gốc tự nhiên đang là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Theo Bộ trưởng, sau Hội nghị COP 26, Chính phủ đã chỉ đạo, xây dựng hàng loạt những đề án, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển các loại hình xe chạy bằng động cơ điện, động cơ đốt kèm nhiên liệu có nguồn gốc tự nhiên, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích những dòng xe như liên danh Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo phát triển.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị liên danh cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình rõ ràng để khai thác, chế biến và sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ; có quy trình, lộ trình để nội địa hoá các linh kiện, thành phần và công đoạn sản xuất nhằm từng bước giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, minh bạch hoá về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để được hưởng các cơ chế, biểu thuế ưu đãi.
Là nơi được liên danh đặt nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô, ông Lại Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tin tưởng việc liên doanh đầu tư xây dựng dự án nhà máy sản xuất ô tô sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ và thu hút nhân lực có trình độ cao đến làm việc tại Thái Bình. Đồng thời, góp phần mang lại hiệu quả phát triển kinh tế cho tỉnh Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Tôi mong muốn liên doanh sẽ triển khai dự án đúng như các nội dung đã cam kết, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong triển khai dự án cũng như quan tâm đến vấn đề nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình lắp ráp, sản xuất ô tô theo quy định hiện hành. Tỉnh Thái Bình cam kết hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng để nhà máy sớm đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả”, ông Lại Quốc Hoàn bày tỏ.