Đại biểu Quốc hội: Không nên phân biệt khi ghi tên nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp
Ngày 5/6, tại phiên họp ở Tổ 1, đa số các đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đều nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Nhà ở nhằm thể phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở; Khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn của pháp luật hiện hành, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh...
Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật Nhà ở cũng nhằm luật hóa các quy định dưới luật đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội; Hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở nhằm hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở; Bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…
Phát biểu tại tổ, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu quan điểm, thực tế thời gian qua, đã xảy ra cháy nổ tại khu chung cư nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tài sản của người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (ở giữa) và các Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Vì vậy, theo ông Tuấn, việc sửa đổi Luật Nhà ở phải có thêm những quy định về an toàn, trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy ở các nhà chung cư. Bên cạnh đó, khi xây dựng chung cư, các chủ đầu tư cũng cần chú ý hơn đến việc thiết kế khu vực để xe đạp cho người khuyết tật.
Một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. Đóng góp vào nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, để đảm bảo chất lượng của các nhà chung cư, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ về thời hạn xây dựng nhà chung cư.
Theo đại biểu Cường, nếu thấy chung cư bị cũ nát, hư hỏng, người dân có quyền đề xuất xây dựng nhà chung cư mới. Để thực hiện việc này thì trước khi xây dựng chung cư mới hay cải tạo, nâng cấp chung cư cũ thì cơ quan chức năng phải có sự kiểm định chất lượng nhà ở tại khu chung cư mà người dân đang sinh sống.
Ngoài ra, liên quan đến việc xây dựng nhà ở cho người dân, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, các địa phương cần có chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở. Bởi vì điều này liên quan đến việc bố trí quỹ đất đai để xây dựng nhà ở, trong đó có xây dựng các khu chung cư, nhà ở xã hội…
Liên quan đến việc đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng ở các khu chung cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện nay, có khu chung cư có đông người dân đến sinh sống rồi nhưng vẫn thiếu bãi đỗ xe, trường học, bệnh viện nên rất không đồng bộ và thuận tiện cho người dân sinh sống ở đó.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). |
Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khi xây dựng khu chung cư thì chủ đầu tư cần chú trọng đến việc đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Về cải tạo chung cư cũ, với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc làm này dứt khoát phải gắn với tái thiết đô thị. Việc cải tạo chung cư cũ, nên thực hiện từng cụm.
Đối với xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm, việc sửa đổi Luật Nhà ở nên có hướng mở như nên giao cho cấp tỉnh được điều chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội và ngược lại.
Trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã dành những điều khoản nhấn mạnh đến việc xây dựng nhà ở xã hội. Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân cần được quy định rõ trong luật. Nếu đầu tư thì việc quản lý và giao sử dụng như thế nào cũng cần được làm rõ hơn ở trong luật.
Mặt khác, việc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng (điều 84) chưa thống nhất với Luật Giá (sửa đổi) thì cũng cần được đề cập kỹ lưỡng hơn trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào xây dựng nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ chất lượng xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo yêu cầu đề ra, đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu mới.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân sở hữu nhà ở xã hội, chủ đầu tư không nên có sự phân biệt khi ghi tên ở từng khu như: Khu nhà ở dành cho công nhân, khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp... Việc làm này cũng là để đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người dân khi có nhu cầu muốn bán nhà khi không còn nhu cầu sử dụng nữa.
Kết luận phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của đoàn sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về dự án luật này tại hội trường.