Đại biểu Quốc hội: Có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho TP HCM là cần thiết
Theo chương trình dự kiến kỳ họp thứ 5, chiều nay 30/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chia sẻ, TP HCM vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của thành phố, mà có nguyên nhân do TP HCM bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Do đó, việc phải có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho thành phố là cần thiết.
Theo đại biểu, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP HCM còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của thành phố cũng được đưa ra thảo luận trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và chưa được Quốc hội thông qua.
Trong khi đó, TP HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). |
Trong dự thảo nghị quyết trình về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM trình Quốc hội tại kỳ họp lần này bao gồm các cơ chế, chính sách đang được triển khai theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, cũng như một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, thành phố gần đây. Đồng thời cũng có một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan.
Theo đại biểu Cường, ttrong dự thảo nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa mà là một khung khổ pháp luật để thành phố “đi trước, hành động trước”. Như vậy, TP HCM là địa phương được đi trước, trải nghiệm trước các quy định pháp luật này, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân thành phố.
Đại biểu đoàn Hà Nội đánh giá, tuy đây chưa thực sự là những “viên thuốc” đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng của TP HCM, nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố.
Ông Cường cho rằng, TP HCM là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bên cạnh đó, hiện nay đã có Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị.
"Có thể thấy, chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, thực sự có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng. Đồng thời cần một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm này", ông Cường chia sẻ.
Đại biểu Cường cũng cho rằng, nên cho phép TP HCM thực hiện những cơ chế tương tự như Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ được chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; biện pháp nào trái với quy định pháp luật hiện hành sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý. Để được như vậy, dự thảo Nghị quyết lần này cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho TP HCM.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cũng bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết về chính sách, cơ chế đặc thù cho TP HCM.
Ông Hiếu cho rằng, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Cách làm và xây dựng nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ngoài ra, nghị quyết cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên không hiệu quả. Các giải pháp phải hướng đến những “địa chỉ” cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào; thời gian dự kiến bao lâu; quy mô nguồn lực là bao nhiêu.
Đại biểu Hiếu cũng cũng cho rằng nên có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian cũ. Đồng thời, nên hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù là giải pháp có mục tiêu tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đối với cơ chế huy động nguồn lực con người, bên cạnh thu hút nhân tài mới thì cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn.