Cử tri muốn có giải pháp hiệu quả để gỡ khó cho bất động sản
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi tới sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, cử tri phản ánh, hiện nay thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền và tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.
Do đó, cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, cơ cấu lại thị trường thông qua điều tiết nguồn cung, khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu bất động sản.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết,thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước, với nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do dòng tiền, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và thanh khoản của thị trường suy giảm.
Ảnh minh họa. |
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở các báo cáo tham mưu, đề xuất của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chỉ đạo giải quyết, với nhiều biện pháp rất cụ thể và quyết liệt để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn các địa phương xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, đồng thời ủy quyền các địa phương công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay nhằm tạo điều kiện triển khai nhanh gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Bên cạnh đó, để giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng đã tích cực nghiên cứu, xây dựng và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Theo Bộ Xây dựng, khi các luật này được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành đối với hoạt động kinh doanh bất động sản và tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn để phát triển thị trường bất động sản.
Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vẫn sẽ tiếp tục được tập trung đẩy mạnh và coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào, cơ quan nào thì cấp đó, cơ quan đó phải giải quyết dứt điểm.