CPI vẫn nằm trong mức kiểm soát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2024 ở mức 4-4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Chỉ số CPI tăng do giá điện, thịt lợn

Theo ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI tháng 5/2024 tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xem xét về mặt phân tích kỹ thuật, mức tăng 4,44% có nguyên nhân lớn do nền lạm phát tháng 5/2023 ở mức thấp.

Nếu xem xét về tác động của các mặt hàng thì yếu tố làm tăng CPI tập trung vào nhóm một số mặt hàng như giá lương thực tăng cao theo giá xuất khẩu, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá vật liệu và giá nhà thuê tăng, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh…

Ông Bình cho biết, mặt bằng giá năm 2024 tăng trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu tăng cao hơn vào thời điểm Tết Nguyên đán cùng xu hướng tăng của giá gạo trong nước theo giá gạo xuất khẩu, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% so với tháng 2 do nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân giảm sau Tết. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm theo quy luật sau Tết.

CPI vẫn nằm trong mức kiểm soát
Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

Sang tháng 4 và tháng 5, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu của người dân không cao nên mặt bằng giá nhìn chung ít biến động. Do đó, CPI tháng 4 và tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.

Ngoài ra kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4-1/5 cũng làm tăng nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, du lịch, tuy nhiên chỉ số giá các nhóm này cũng chỉ nhích tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước theo xu hướng giảm liên tục từ tuần cuối tháng 4 cho đến nay góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Theo ông Bình, nếu so sánh CPI theo gốc phân tích khác, như chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2024 so với tháng trước cơ bản không biến động nhiều, chỉ tăng nhẹ 0,05% so với tháng trước, đây là mức tăng phù hợp với diễn biến quy luật từ đầu năm.

Nếu đánh giá theo tiêu chí CPI bình quân thì bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, vẫn nằm trong các kịch bản lạm phát để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2024 ở mức 4-4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra với dư địa lạm phát còn lại mỗi tháng so tháng trước tăng từ 0,39-0,6% trong 7 tháng còn lại của năm 2024.

Nhận định về tình hình thị trường trong những tháng còn lại trong năm 2024, ông Phạm Văn Bình cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá gạo xuất khẩu Việt Nam khả năng có thể vẫn duy trì được mức giá cao trên thị trường thế giới trong bối cảnh nguồn cung từ các thị trường xuất khẩu lớn chưa có tín hiệu nới lỏng.

Đồng thời, giá xăng dầu dự báo còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển cũng đang có xu hướng tăng gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp. Nếu tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và Đô la Mỹ tăng sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Đồng thời với đó là việc phải tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công.

Mặc dù vậy vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá, đó là, sự kiên định chủ trương, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Đảng và Nhà nước giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Điều này được thể hiện trong những năm qua khi Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, cũng như các bộ, ngành, địa phương luôn sát sao và quyết liệt trong việc kiểm soát làm phát theo mục tiêu đề ra. Những chính sách chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất vẫn tiếp tục được áp dụng góp phần giảm chi phí hình thành giá xăng dầu và các hàng hóa dịch vụ.

Bên cạnh đó, nước ta có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Đồng thời, hệ thống giao thông phát triển góp phần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông...

Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Theo ông Bình, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả thị trường, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát nhằm tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Hậu Lộc
Phiên bản di động