Công ty CP Hoàng An "qua mặt" BQL dự án Đầu tư xây dựng các CTGT tỉnh Bắc Giang rút 25 tỷ trong ngân hàng BIDV
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã phản ánh, Công ty CP Hoàng An (Công ty Hoàng An) là nhà thầu thi công dự án tuyến đường nhánh 3 (qua 5 xã, thị trấn của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gồm: Thị trấn Thắng, xã Danh Thắng, xã Lương Phong, xã Đoan Bái, xã Đông Lỗ) nối vào đường vành đai 4 đi Hà Nội. Kể từ khi khởi công cho tới thời điểm hiện tại, nhà thầu này thi công với tốc độ rùa bò khiến người dân phải gánh chịu hậu quả. Ngày nắng thì người dân phải "hứng" bụi, nếu mưa lại được trải nghiệm "bùn" đất khiến cuộc sống bị đảo lộn hơn hai năm nay.
Tuyến đường thi công chậm tiến độ đã gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân |
Dự án này do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông tỉnh Bắc Giang (Ban QLDA ĐTXD các CTGT Bắc Giang) làm chủ đầu tư và Công ty Hoàng An là nhà thầu chính. Thời hạn thi công là 16 tháng, tính từ ngày 06/8/2018 đến hết ngày 06/12/2019.
Theo điều tra của PV, Công ty Hoàng An không những thi công chậm tiến độ và phải xin gia hạn với tỉnh Bắc Giang (đến hết ngày 31/3 vẫn chưa xong và xin gia hạn tiếp tới ngày 15/6/2020 - pv) mà còn "cao tay" rút 25 tỷ đồng tiền tạm ứng của Chủ đầu tư gửi trong Ngân hàng BIDV mà Chủ đầu tư không hề hay biết(?)
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Đông, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các CTGT Bắc Giang thừa nhận Công ty Hoàng An đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng và xin gia hạn thêm đến ngày 15/6, ngoài ra, nhà thầu này đang dư ứng của Ban 25 tỷ đồng.
Theo một bảo vệ tại đây thì chỗ máy móc này đã nằm im trong 10 ngày qua không thấy ai đến vận hành |
"Lẽ ra ngân hàng khi cho rút tiền phải yêu cầu doanh nghiệp cung cấp biên bản nghiệm thu khối lượng công trình đã thực hiện và phải đưa số tiền đó sử dụng vào chi phí cho công trình. Tuy nhiên, ngân hàng BIDV Phú Yên đứng ra bảo lãnh cho Công ty Hoàng An lại cho rút "không kiểm soát".
Nhà thầu rút tiền ra Chủ đầu tư cũng không biết, đến khi làm việc với ngân hàng mới biết. Tỉnh cũng không biết gì về việc này" ông Đông cho biết.
Ông Đông nói rằng, việc tạm ứng tiền cho nhà thầu là đúng quy định pháp luật, còn Công ty Hoàng An rút được tiền là do ngân hàng không kiểm soát. Ngoài ra, do Công ty Hoàng An đang vướng vào dự án BOT trong Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 150 tỷ.
Được biết, dự án này có tổng chiều dài dự án là 8,7km, nhà thầu mới làm được phần móng 6 km, còn mặt đường bê tông mới thi công được khoảng 1,6km. Giá trúng thầu mà công ty này trúng giảm 22% so với giá dự toán. Hiện nay, Công ty Hoàng An mới chỉ thi công đạt xấp xỉ 50% khối lượng.
Người dân nghi ngờ năng lực của nhà thầu và tính minh bạch của dự án này |
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Công Bộ - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: Huyện đã nhận được nhiều báo cáo của các xã cũng như nhiều phản ánh, bức xúc của người dân có con đường đi qua. Huyện cũng đã giao các phòng ban liên quan tiến hành khảo sát thực tế tìm giải pháp phối hợp với chủ đầu tư, hỗ trợ nhà thầu.
Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ hay chí ít là hoàn thành tiến độ nằm ngoài khả năng của UBND huyện bởi chúng tôi không phải là chủ đầu tư của công trình này, nhiệm vụ của huyện là hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án.
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đi lại rất khó khăn từ khi dự án bắt đầu được triển khai thi công |
"Đích thân tôi nhiều lần cùng lái xe đi thị sát thực tế, thấy thực trạng thi công chậm tiến độ của nhà thầu và đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư nhưng tình hình vẫn không có gì biến chuyển, thi công chậm tiến độ vẫn hoàn chậm tiến độ" - ông Bộ nói thêm.
Nhiều người dân sống 2 bên con đường này khi được hỏi đều bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ vì hơn hai năm nay, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà thầu thi công theo kiểu làm 2 hệ thống cống thoát nước trước, sau đó đào nền đường cũ lên, xúc đất mang đi khiến cho hiện tại, nhiều nền nhà dân cao hơn khoảng 30cm - 40cm, trong đó có rất nhiều nhà nằm sát mặt đường, hiện đang phải bắc ván, bắc cầu để vào nhà. Và điều họ lo lắng đó là sau này không biết vỉa hè như thế nào chứ như bây giờ mà từ cửa nhà mà di chuyển xuống đường, không cẩn thận rất dễ bị tan nạn giao thông.
Nền đường hiện thấp hơn nền nhà từ 30-40cm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông vì cửa nhà dân ngay sát mép đường. |
Dư luận có quyền đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của dự án. Có hay không việc Chủ đầu tư là Ban QLDA ĐTXD các CTGT Bắc Giang buông lỏng quản lý, giám sát, phó mặc cho nhà thầu là Công ty Hoàng An "mặc sức" tung hoành, muốn làm gì thì làm, bất chấp các quy định của pháp luật?
Luật sư Thanh Phương, Giám đốc Công ty luật Tâm Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định trong câu chuyện này, cơ quan chức năng cần làm rõ năng lực của nhà thầu bởi một dự án đường giao thông mà bỏ thầu thấp hơn giá mời thầu 22% thì phải là những đơn vị có tiềm lực rất mạnh, có nhiều kinh nghiệm để khi trúng thầu sẽ huy động mọi nguồn lực thi công nhanh nhất có thể thì mới may ra có lãi. Ngoài ra, việc nhà thầu "qua mặt" Chủ đầu tư rút 25 tỷ đồng tiền tạm ứng "treo" tại ngân hàng BIDV một cách dễ dàng như vậy thì cũng cần phải xem lại quy trình này là như thế nào? Tôi không tin ngân hàng lại "lỏng lẻo" đến vậy bởi thông thường, nhà thầu muốn rút tiền tạm ứng thì phải có Biên bản nghiệm thu khối lượng (tạm thời) với Chủ đầu tư và Thư bảo lãnh (phải là bản gốc do Chủ đầu tư giữ – pv), từ đó mới có căn cứ để ngân hàng cho rút 25 tỷ. Tôi nghi ngờ rằng có câu chuyện khuất tất ở đây.
"Nếu các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và những sai phạm nghiêm trọng (nếu có) của nhà thầu thì hoàn toàn có thể đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấm Công ty Hoàng An tham gia đấu thầu tại bất cứ dự án nào trên toàn quốc." - Luật sư Phương cho biết thêm.
Được biết, Công ty Hoàng An có địa chỉ đăng ký tại thôn An Hạ, Xã An Thượng, Huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Hoàng Quốc Luân là người đại diện pháp luật.
(Còn nữa...)