Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả
Theo báo cáo, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay. Cụ thể là nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên trên tinh thần xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong quản lý cũng như các hoạt động chuyên môn. Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, trong đó chưa có sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức. Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết... chưa được chú trọng. Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết Chỉ thị số 32
Việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.
Chia sẻ về một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PBGDPL. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng cần quan tâm lãnh đạo chính quyền cùng cấp cần tăng cường tổ chức thực hiện và đảm bảo các điều kiện về nguồn lực cho công tác PBGDPL. Hướng tới xác định việc hoàn thành nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hàng năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức chính trị, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên của Đảng và chính quyền tại địa phương.
Về nội dung PBGDPL, lãnh đạo thành phố kiến nghị cần hệ thống lại các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, chú trọng tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật tại địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu kiến nghị tại hội nghị trực tuyến |
Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin cần tăng cường tuyên truyền pháp luật trên báo chí truyền hình để tăng khả năng tiếp cận của người dân. Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng công tác PBGDPL về cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn.
Cuối cùng để thu hút các nguồn lực, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị trung ương cần có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội hoá công tác PBGDPL nhằm khuyến khích động viên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL. Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL theo tinh thần xã hội hoá.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: công tác tuyên truyền PBGDPL có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương xác định rõ công tác tuyên truyền PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo quyền con người và quyền công dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị |
Tăng cường đổi mới toàn diện, sâu sắc sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL; xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế về công tác PBGDPL; đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện PBGDPL.
Đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong các nhà trường; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động nhân dân hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và gắn tuyên truyền pháp luật với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước...