e magazine
26/03/2025 22:00
Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

26/03/2025 22:00

Lĩnh vực văn hóa vừa đóng vai trò thị trường kinh doanh đầy tiềm năng, đồng thời, cũng là nơi kiến tạo các giá trị công ích bền lâu cho xã hội.

Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

Từ trước những năm 2000, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa, thể thao, nghệ thuật. Hơn 20 năm sau, lĩnh vực văn hóa đang trở thành đích đến của các dòng chảy trí tuệ, kinh tế từ cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Lĩnh vực văn hóa vừa đóng vai trò thị trường kinh doanh đầy tiềm năng, đồng thời, cũng là nơi kiến tạo các giá trị công ích bền lâu cho xã hội.

Kiến tạo giá trị văn hóa từ xã hội hóa

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Văn Từ Thượng Phúc tại huyện Thường Tín (Hà Nội) được biết đến là nơi vinh danh truyền thống hiếu học, khoa bảng, trăm nghề. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới Văn Từ Thượng Phúc để nghiêng mình kính cẩn trước các bậc tiên hiền. Thế nhưng, ít người biết rằng, công trình văn hóa linh thiêng này được kiến tạo một cách đặc biệt, đó là từ 100% các nguồn xã hội hóa.

Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

Lật giở sử sách, huyện Thường Tín xưa có tên là Thượng Phúc, được mệnh danh là đất học - đất danh hương, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, nhiều nhà khoa bảng như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Lê Nguyên Kỷ… Theo một thống kê, đất này có 128 người đỗ đại khoa, trong đó, 2 người đỗ trạng nguyên, 3 người đỗ bảng nhãn, 2 người đỗ thám hoa.

Các tài liệu Viện Hán Nôm và hệ thống văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc cho thấy, Thường Tín là huyện có số lượng khoa bảng nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội. Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ - người Nhị Khê xây dựng tại xã An Duyên, tổng Tín An (nay thuộc thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695). Song hành việc xây dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ soạn văn, khắc lên bia đá 4 mặt chữ tên tuổi của 75 nhà khoa bảng. Nối tiếp truyền thống, thừa mệnh bản huyện cùng quan triều đình và quan viên qua các thời kỳ đó, Văn Từ Thượng Phúc được tu sửa, có thêm tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia ký của các bậc hiền tài tiếp theo.

Xưa kia, Văn Từ Thượng Phúc có mái che rất đẹp và có người trông coi. Nơi này cũng là trường học của huyện. Tuy nhiên, khuôn viên Văn Từ nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút nên lễ hội thường vắng vẻ. Thêm nữa ở nơi đất thấp, cuối mùa thu hay lụt lội nên việc tế lễ thường không đúng kỳ. Đến năm Tân Mùi (1811), tường Văn Từ bị nước lũ cuốn trôi. Năm Nhâm Thân (1812), Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc bàn tính, dời chuyển đồ thờ tự, văn bia… về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc (nay là thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín) rồi dựng lại khu Văn Từ tráng lệ, uy nghi hơn...

Trải qua thăng trầm của lịch sử, biến thiên của thời gian, Văn Từ Thượng Phúc từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử của mảnh đất khoa bảng, địa linh nhân kiệt, năm 2018, huyện Thường Tín tổ chức khảo sát, nghiên cứu về nguồn gốc Văn Từ, qua đó khẳng định rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa nơi đây.

Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện Thường Tín coi văn hóa là gốc, là nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển. Trong khi đó, Văn Từ Thượng Phúc bị xuống cấp, kiến trúc, quy mô nhỏ hẹp không xứng tầm là nơi tôn vinh giáo dục, truyền thống hiếu học của huyện nên Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XXIII (2015-2020) đã ra nghị quyết xã hội hóa việc “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”.

Dự án Văn Từ Thượng Phúc được hình thành, tổng diện tích 3.516m2, trong đó diện tích xây dựng công trình 622m2; cây xanh, thảm cỏ, mặt nước 1.433m2, đất giao thông 1.463m2. Các hạng mục công trình gồm: Nhà Văn Từ, nhà khách, nhà đón tiếp, hồ sen, sân vườn, tường rào và một số hạng mục khác... Ngày 24/11/2019, dự án được khởi công, sau hơn một năm thi công, công trình được đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư cho dự án là gần 50 tỷ đồng với 100% nguồn vốn xã hội hóa.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh cho biết, Lễ hội khai bút và tôn vinh làng nghề truyền thống được tổ chức hàng năm tại đây nhằm đề cao truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đây cũng là dịp để tri ân các bậc tiền nhân có công truyền nghề; biểu dương, khen thưởng, khuyến khích, động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong gìn giữ, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, khẳng định vai trò của làng nghề truyền thống với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...

Việc khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống hiện tại. Từng đoàn học sinh nối tiếp nhau đến Văn Từ Thượng Phúc dâng hương trong những ngày này là minh chứng hết sức cụ thể cho sự hiệu quả trong công tác xã hội hóa để xây dựng văn hóa ở Thường Tín.

Một ví dụ khác, ngày 15/2/2025, tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ, Huyện ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín tổ chức lễ đúc tượng đài danh nhân văn hóa - đại thi hào Nguyễn Du. Tại lễ đúc tượng, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho hay: "Việc xây dựng tượng đài Nguyễn Du tại vườn hoa Thị trấn Thường Tín trong khuôn viên của phủ Thường Tín xưa có ý nghĩa quan trọng nhằm thể hiện tinh thần tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín với danh nhân văn hoá - Đại thi hào Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử của dân tộc và phủ Thường Tín xưa (huyện Thường Tín ngày nay). Những đóng góp của Nguyễn Du trong thời đại của ông nói riêng, cho văn hóa, lịch sử quốc gia nói chung thể hiện ở nhiều góc độ và vô cùng giá trị".

Đáng chú ý, tượng đài Danh nhân văn hóa - Đại thi hào Nguyễn Du, UBND huyện Thường Tín được đúc từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch UBNd huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, công trình nhận được sự ủng hộ, đóng góp xã hội hoá của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế và Dịch vụ Thương mại Sông Hồng.

Động viên các nguồn lực xã hội để xây dựng văn hóa

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Tại Hà Nội, công nghiệp văn hóa cũng ghi nhận bước tiến mạnh mẽ.

Thực tế vài năm trở lại đây, công nghiệp văn hoá đang được thành phố, cùng với các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm. Thậm chí, không ít địa phương đã chuyển biến trong định hướng phát triển kinh tế, coi văn hoá là động lực phát triển.

Một ví dụ rất đáng nhắc tới là Thị xã Sơn Tây. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, những năm qua, thị xã đã đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá, trải nghiệm, sáng tạo với nhiều mô hình, điểm đến mới như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort… Nhờ đó, càng ngày càng đông đảo du khách chọn Sơn Tây như một địa chỉ hứa hẹn cho các cuộc tham qua, du lịch, nghỉ dưỡng.

Tại huyện Mê Linh, những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Một nội dung quan trọng là triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Kết quả, những năm gần đây, bộ mặt của đất và người Mê Linh đã có những sự đổi thay, cách tân đáng ghi nhận.

Những người nông dân của huyện Mê Linh hiện nay không chỉ làm công việc nông nghiệp một cách đơn thuần, thay vào đó, họ đang đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, gắn với du lịch trải nghiệm.

Đáng chú ý, sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, hiện nay, Hà Nội ngày càng có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa.

Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phấn khởi cho biết: “Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chỉ hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức”

Một trong những điểm nhấn quan trọng khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UN Habitat tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên, trong đó mỗi năm chọn một chủ đề khác nhau.

Năm 2021 chọn chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”; năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” và được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm trưng bày, thu hút hơn 200.000 khách tham quan.

Trong nỗ lực đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một vấn đề rất được quan tâm là nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Theo đồng chí Vũ Thu Hà, mới đây, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, để phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội còn nhiều Nghị quyết chuyên đề khác, như: Quy định về đãi ngộ, hỗ trợ với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở các lĩnh vực, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố hà Nội.

"Đến nay, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô sửa đổi… hướng đến đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô một cách bền vững", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin.

hUY ĐỘNG SỰ VÀO CUỘC CỦA CẢ XÃ HỘI

Trong sự nỗ lực chung của hệ thống chính trị, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp, của cộng đồng cũng đang góp phần đáng kể thúc đẩy đà phát triển đi lên của công nghiệp văn hóa tại Thủ đô.

Các chuyên gia cho rằng, huy động nguồn lực cho sự phát triển; nguồn lực chính là từ các cơ chế, chính sách. Nguồn lực tài chính của Nhà nước chỉ là vốn mồi để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, của người dân, doanh nghiệp. Ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực mà chúng ta cần phải xem xét. Muốn phát triển công nghiệp văn hoá và giải trí thì phải có nguồn lực này; Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hoá và giải trí.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, ngày 19-8-1999, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao”; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng thành các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Trong hai nghị định này, Chính phủ xác định các nguyên tắc thực hiện chính sách xã hội hóa, các chính sách khuyến khích cụ thể, như chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, chính sách giao đất, cho thuê đất, chính sách về thuế, phí, lệ phí, tín dụng, bảo hiểm, khen tặng danh hiệu, quản lý tài chính, xác định trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước các cấp thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trong phạm vi thẩm quyền) tổ chức thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn; Cần tăng cường các nguồn lực trong toàn xã hội, tăng cường vai trò của các hiệp hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp để phát triển văn hóa; qua đó đánh thức mọi tiềm lực của xã hội, không chỉ huy động kinh phí, mà còn phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển, đáp ứng và ngày càng nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.

Vai trò xã hội hóa trong xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa

Vũ Cường

Đồ họa: Hoài Sơn

Vũ Cường