Công nghiệp văn hoá gắn với Nông thôn mới - điểm sáng ở Thường Tín

Từ "vốn liếng" văn hoá tích luỹ hàng ngàn năm, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang có những bước đi đúng đắn, hiệu quả để phát triển công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới.
Huyện Thường Tín (Hà Nội): Linh thiêng lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện uỷ Thường Tín.

Đưa trầm tích văn hoá thành động lực phát triển

Trong lịch sử, huyện Thường Tín là vùng đất cổ, với truyền thống danh hương khoa bảng. Xin đồng chí khái quát một vài lợi thế nổi bật tạo đà cho huyện nhà phát triển công nghiệp văn hoá?

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh: Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc; trong đó, có việc “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới - điểm sáng tại huyện Thường Tín
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Minh - Bí thư Huyện uỷ Thường Tín

Nhìn vào lịch sử, huyện Thường Tín đã trải qua nhiều giai đoạn với những năm tháng vàng son cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Gần 10 thế kỷ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, trở thành địa phương có số lượng nhà khoa bảng lớn nhất Hà Nội, tiêu biểu là Anh hùng Dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và các vị tiến sĩ, học sĩ nổi tiếng như: Cụ Lý Tử Tấn, Dương Chính, Dương Trực Nguyên, Lương Văn Can, Trần Trọng Liêu....

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới - điểm sáng tại huyện Thường Tín
Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ phụng, vinh danh 68 Nhà khoa bảng của huyện Thường Tín qua các triều đại phong kiến

Cán bộ, Nhân dân huyện Thường Tín luôn tự hào về truyền thống văn hiến của vùng đất danh hương, huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Phát huy lợi thế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; huyện Thường Tín đã có những đường hướng như thế nào để cụ thể hoá mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn huyện?

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh: Trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chỉ rõ, huyện Thường Tín phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới - điểm sáng tại huyện Thường Tín
Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Nhằm cụ thể hoá mục tiêu nêu trên, huyện Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02, ngày 22/8/2020 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020-2025” và chương trình số 04 ngày 22/8/2020 về “Phát triển, văn hóa xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020-2025”.

Xin đồng chí cho biết những kết quả đã đạt được trong việc phát triển công nghiệp văn hoá tại huyện Thường Tín?

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh: Thời gian qua, huyện Thường Tín đã xây dựng nhiều thiết chế, công trình văn hoá. Hiện nay huyện Thường Tín đang triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn huyện theo đúng quy định.

Huyện có 462 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có 126 di tích cấp Quốc gia và Thành phố. Bên cạnh đó có 48 làng nghề được TP công nhân và 1 làng nghề Hà Nội. Huyện có nhiều Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân Hà Nội được Nhà nước, TP Hà Nội tôn vinh, trao tặng danh hiệu.

Một trong những công trình mang tính biểu trưng văn hoá ở huyện Thường Tín là Văn Từ Thượng Phúc. Đây là nơi thờ phụng, vinh danh 68 nhà khoa bảng của huyện qua các triều đại phong kiến. Công trình được xây dựng 100% bằng nguồn xã hội hoá, trị giá 50 tỷ đồng. Công trình Văn Từ Thượng phúc đã và đang thu hút nhiều du khách thập phương xa gần đến lễ, tham quan.

Cùng với đó, huyện Thường Tín đã tổ chức lễ khởi công Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hoá. Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng, đến nay, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành.

Ngoài các công trình, thiết chế văn hóa "vật thể", huyện Thường Tín đã và đang huy động các nguồn lực hợp pháp, tranh thủ sự hưởng ứng của Nhân dân và các Nghệ nhân, truyền thống đất "Danh hương, Khoa Bảng, Trăm nghề"... để bảo tồn, phát huy văn hóa "phi vật thể" như: Hát trống quân xã Khánh Hà, Hát chèo xã Nghiêm Xuyên, xã Dũng Tiến, Múa rối cạn xã Nguyễn Trãi, Ca trù xã Tô Hiệu…

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới

Được biết, huyện Thường Tín đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới. Xin đồng chí cho biết cụ thể về nội dung này?

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh: Đối với huyện Thường Tín, theo định hướng quy hoạch huyện phát triển lên đô thị có tính chất: Đô thị công nghiệp với kinh tế mũi nhọn là du lịch, dịch vụ, sản xuất các sản phẩm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghịêp công nghệ cao, thương mại, vận tải logicstic...

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Thành uỷ Hà Nội về công nghiệp văn hóa với phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới nâng cao, du lịch dịch vụ; huyện Thường Tín đã triển khai mạnh mẽ, huy động nguồn lực tại chỗ để có đủ nguồn lực phát triển huyện đạt Nông thôn mới nâng cao.

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới - điểm sáng tại huyện Thường Tín
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại xã Tự Nhiên

Trên cơ sở những Nghị quyết chỉ đạo sáng suốt về văn hóa, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, tinh thần, nền tảng tư tưởng để xã hội phát triển bền vững, lành mạnh và đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế - xã hội, huyện Thường Tín triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 09-NQ/TU Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Với những cố gắng và kết quả đạt được, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng công nhân huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.

Năm 2021 được đón nhận huân chương lao động hạng 3 về thành tích xây dựng Nông thôn mới. Đến nay huyện cơ bản đạt các tiêu chí Huyện nông thôn mới nâng cao. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao và cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/người/năm.

Theo kế hoạch, đến hết quý II/2024, huyện Thường Tín có ít nhất 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 50% tổng số xã trên toàn địa bàn. UBND huyện đã rà soát kết quả đạt các tiêu chí NTM nâng cao đối với 2 xã Văn Bình và Vạn Điểm (2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 -2020) bảo đảm đạt yêu cầu của bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ đối với các xã Tự Nhiên, Thắng Lợi, Hòa Bình, Văn Tự để thời gian tới đạt NTM nâng cao. Như vậy dự kiến hết năm 2024 huyện Thường Tín dự kiến sẽ có 17/28 đạt NTM nâng cao, tỷ lệ 60.71%.

Đồng chí đánh giá như thế nào về chương trình phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Nguyễn Tiến Minh: Có thể khẳng định rằng, phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Tín đã, đang và sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng về phát triển văn hoá. Đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, đó là điểm tựa để xây dựng Nông thôn mới nâng cao ở huyện.

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới - điểm sáng tại huyện Thường Tín

Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới đã và đang thắp sáng bộ mặt huyện Thường Tín

Những kết quả đạt được về phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới sẽ là nền tảng quan trọng để huyện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giúp người dân của Thường Tín được thụ hưởng những thành quả từ sự tiến bộ của xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Vũ Cường (ghi)
Phiên bản di động