Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa

Bằng hướng đi khác biệt, kể những câu chuyện văn hóa, nhiều bạn trẻ ở Hà Nội đã thành công khi đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực du lịch văn hóa. Luật Thủ đô (sửa đổi) được áp dụng sẽ chắp thêm cánh cho giới trẻ thỏa sức đam mê, sáng tạo, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền Luật Thủ đô 2024 Hà Nội lập Tổ công tác, Tổ giúp việc để thực thi Luật Thủ đô Chắp cánh cho Hà Nội bứt phá nhanh trong chuyển đổi số

Thành công từ cách kể chuyện độc đáo

Chưa bao giờ các ngành công nghiệp văn hoá nở rộ như hiện tại, thu hút một lượng lớn các nhà sáng tạo, nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà quản trị, nhà truyền thông… Hàng loạt mô hình làm ăn mà trước đây không ai tưởng tượng nổi đã ra đời.

Lùi thời gian 10 năm trước, cái tên Tired City còn chưa xuất hiện trên bản đồ thời trang. Mãi năm 2016, Tired City mới ra đời. Những dòng sản phẩm chủ lực của Tired City là áo phông, áo nỉ, túi xách, khăn và một số sản phẩm lưu niệm khác. Điểm không lẫn vào đâu của Tired City không phải là thiết kế kiểu dáng, mà là những hình ảnh trên sản phẩm. Tired City có cách tiếp cận thông minh và bài bản, đánh trúng tâm lý khách du lịch, đó là khai thác thẩm mỹ truyền thống từ văn hóa dân gian qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ, thêm một chút hài hước trong các mẫu thiết kế và đặt các mẫu này trên các sản phẩm lưu niệm có tính tiện dụng cao như áo thun, thiệp, tranh, túi vải... Bây giờ, Tired City đã vươn sự phát triển tới tận Hội An (tỉnh Quảng Nam) và còn xa hơn nữa.

Có những người gọi Tired City là “huyền thoại công nghiệp văn hoá” của thế hệ trẻ. Có lẽ, còn quá sớm, nhưng không thể phủ nhận, thương hiệu này không phát triển theo cấp số cộng, mà là số nhân.

Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa
Sản phẩm đậm chất văn hóa truyền thống (Ảnh: Tired City)

Hà Nội là đô thị nén, đất chật, người đông. Nhưng từ góc độ của các nhà đầu tư, của những người khởi nghiệp, đó là cơ hội không thể tốt hơn. Mười triệu dân tạo ra những tệp khách hàng khổng lồ trong lĩnh vực văn hoá, giải trí. Con số ấy còn được nhân lên khi mỗi năm thành phố đón gần 30 triệu khách du lịch. Chỉ một sự kiện văn hoá bên hồ Hoàn Kiếm, với một số mô hình di sản kiến trúc dựng lên, dịp cuối tuần đã thu hút đến vài chục nghìn người. Nhu cầu về “món ăn” tinh thần của thị trường này là rất lớn.

Lượng khách hàng lớn khiến ngay cả những lĩnh vực ngách và “xương xẩu”- khó khai thác cũng có cơ hội trở thành sản phẩm ăn khách. Một thời, hầu như ai cũng nghe các nghệ nhân các loại hình nghệ thuật trình diễn như: Hát xẩm, hát chèo… “ôn nghèo, kể khổ” về nguy cơ mai một, nghệ nhân gặp khó khăn, không có đất diễn. Nhưng Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam (VICH), đang góp phần làm “gió đảo chiều”. Nhiều khán giả sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để được trải nghiệm nghệ thuật truyền thống cùng VICH.

Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa
Khách Tây thích thú với những sản phẩm sáng tạo

Giám đốc VICH Nguyễn Lệ Quyên cho biết: “Từ cuối năm 2023, VICH triển khai dự án ‘Di sản trong lòng phố’, lấy nghệ thuật hát xẩm làm trọng tâm. Đều đặn vào chủ nhật hàng tuần, chương trình hát xẩm được tổ chức để khán giả trong và ngoài nước có cơ hội thưởng thức”. Mới đây, VICH lại cho ra đời chương trình Giáo dục di sản đầu tiên cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Việt Nam với chủ đề “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo” tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Mặc dù chương trình hướng đến những khán giả từ 7 đến 15 tuổi, nhưng thực tế, khán giả lớn tuổi cũng bị “cuốn” vào những hoạt động trải nghiệm, khám phá, giải mã trong chương trình mà VICH cùng các nghệ sĩ xây dựng.

Đam mê + sáng tạo + vốn đầu tư

Trước Tired City hàng chục năm, việc đưa những hình ảnh của văn hoá, cuộc sống Hà Nội lên thời trang đã được thực hiện. Nhưng mức độ thành công đều hạn chế. Vẫn những di sản Hà Nội, những câu chuyện Hà Nội như thế, Tired City đã biết “biến hoá” và cập nhật chúng qua góc nhìn nghệ thuật của người trẻ tuổi, đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch. Tired City đã cộng tác với hơn 300 nghệ sĩ, gần 1.000 artwork và dung dưỡng một cộng đồng sáng tạo gần 100.000 người. Tired City kết hợp với nhiều bên tổ chức các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật. Các tác giả đều được trả tiền bản quyền khi Tired City sử dụng tác phẩm trên sản phẩm của mình. Kết quả là họ có một “kho” tài nguyên vô tận luôn được làm mới, biến hoá trên các dòng sản phẩm.

Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa
Chương trình Giáo dục di sản của VICH với chủ đề “Giáo dục di sản nghệ thuật Chèo” tại Nhà hát Chèo Việt Nam thu hút nhiều người quan tâm ở mọi lứa tuổi

Với VICH, để người tiêu dùng bỏ tiền ra nghe hát xẩm, họ đã sử dụng xẩm như một tài nguyên, bằng sáng tạo của mình, biến thành sản phẩm công nghiệp văn hoá, với cách dẫn dắt câu chuyện, tương tác với khán giả và tạo cơ hội cho khán giả trải nghiệm. Mỗi buổi trải nghiệm sẽ có ba phần: Xẩm đàn, xẩm kể, xẩm ca. Trong đó, “xẩm kể” chính là những câu chuyện văn hóa, những tương tác, giao lưu với người nghe. Người ta được cung cấp phông nền về văn hoá xẩm trước khi thưởng thức. Câu chuyện gần tương tự cũng được thực hiện với dự án hát chèo.

Công nghiệp văn hoá gồm 12 lĩnh vực khác nhau. Riêng Hà Nội còn bổ sung thêm lĩnh vực thứ 13 - Ẩm thực. Dư địa phát triển là rất lớn. Nhưng hiện nay vẫn hiếm những doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp văn hoá; còn những nhà phát triển nhỏ thường gặp khó khăn về mặt bằng, về tính ổn định, về bảo hộ quyền tác giả.

Từ khoá của thành công trong đầu tư vào công nghiệp văn hoá, không gì khác là “sáng tạo”. Song vốn đầu tư luôn là câu hỏi lớn với những người khởi nghiệp trẻ tuổi. Nhưng với nhóm đối tượng này, “từ khoá” chủ chốt luôn là sáng tạo, là sản phẩm. Những mô hình quy tụ chuyên gia trong ngành và giới thiệu các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật sáng tạo có tiềm năng khai thác thương mại cũng được thành phố Hà Nội khuyến khích tổ chức, như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo thường niên, trở thành một kênh mở, kết nối những cơ hội đầu tư kinh tế sáng tạo.

Nguyễn Việt Nam, nhà sáng lập Tired City cho biết: “Theo tôi, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội nói riêng, Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên chúng ta chưa hình thành rõ nét về chuỗi giá trị và có chưa có nhiều mô hình được cho là thành công nên chưa thu hút nhiều đầu tư”.

Luật Thủ đô gỡ bỏ rào cản về phát triển công nghiệp văn hóa

Tháng 6/2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thủ đô. Điều 43 quy định rõ: Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực theo danh mục chi tiết do UBND Thành phố quyết định sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 09 năm tiếp theo

Luật Thủ đô cũng cho phép hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hoá; cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao; công trình kiến trúc có giá trị. Những quy định này mở lối cho khối tư nhân phát huy tiềm năng. Song, từ chính sách khung đến quy định cụ thể và áp dụng trên thực tế luôn có khoảng cách, những băn khoăn lúng túng, hoặc sự can đảm dám làm. Bởi thế, dư luận mong chờ những chính sách và hành động cụ thể thực sự “trải thảm” cho các nhà đầu tư mà không vướng “chiếc đinh” nào.

Thái Sơn
Phiên bản di động