Công bố SGK lớp 1 mới: 4/5 bộ sách là của Nhà xuất bản Giáo dục

Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo. Đáng chú ý, trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được công bố có tới 4 bộ là của Nhà xuất bản Giáo dục (24/32 cuốn).
Bộ Giáo dục công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới vào ngày 22/11 Sách giáo khoa sẽ được lựa chọn công khai, minh bạch? Không được để "sạn" trong sách giáo khoa mới

cong bo sgk lop 1 moi 45 bo sach la cua nha xuat ban giao duc

Sách giáo khoa lớp 1 mới từ năm học 2020 - 2021 sẽ có nhiều bộ để lựa chọn (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chiều 22/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo. Đáng chú ý, trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được công bố có tới 4 bộ là của Nhà xuất bản Giáo dục (24/32 cuốn).

Sách giáo khoa mới tiếp cận năng lực học sinh

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 32 cuốn. TS Thái Văn Tài cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo tinh thần một chương trình, nhiều bộ sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thẩm định các bản thảo sách giáo khoa qua 2 vòng. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận 49 bản thảo ở 9 môn học, được đề nghị thẩm định. Cụ thể, Tiếng Việt, Toán, Đạo đức mỗi môn 6 bản thảo; Tự nhiên - xã hội 5 bản thảo; Giáo dục Thể chất 4 bản thảo; Nghệ thuật (âm nhạc) 5 bản thảo; Nghệ thuật (mỹ thuật) 5 bản thảo. Hoạt động trải nghiệm 6 bản thảo. Tiếng Anh 6 bản thảo. Sau hai vòng thẩm định của đợt đầu tiên, 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá đạt, đã bàn giao cho Bộ GDĐT. 11 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá không đạt. Bộ GDĐT cho biết, riêng bản mẫu SGK Tiếng Anh là môn tự chọn nên Bộ GDĐT công bố sau.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, trong số danh mục 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 có tới 24 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục. Điều đặc biệt hơn, trong 32 cuốn sách được công bố được công bố có thể được chia thành 5 bộ sách, trong đó, có tới 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy vậy, chỉ có một bộ Sách giáo khoa được xã hội hóa của (3 đơn vị khác NXB Giáo dục) thì có đầy đủ cả 9/9 cuốn, đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng được các yêu cầu của việc xã hội hóa giáo dục trong lĩnh vực SGK.

Trả lời câu hỏi của PV Lao Động liên quan tới việc lựa chọn sách giáo khoa, TS Thái Văn Tài cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa đưa vào giảng dạy trong các nhà trường thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Việc lựa chọn này được Hội đồng thẩm định chọn theo từng môn. “Việc lựa chọn các cuốn sách được thực hiện theo từng môn chứ không bắt buộc phải lựa chọn theo từng bộ. Thẩm quyền lựa chọn thuộc UBND các tỉnh” - TS Tài nói và cho biết, Bộ GDĐT đang xây dựng thông tư để hướng dẫn các địa phương. Theo lộ trình, từ nay tới tháng 3.2020, các địa phương phải công bố kết qủa lựa chọn SGK trong danh mục được công bố, theo đúng quy định là 6 tháng trước khi bắt đầu năm học mới.

cong bo sgk lop 1 moi 45 bo sach la cua nha xuat ban giao duc
TS Thái Văn Tài trao đổi tại họp báo. Ảnh: T.VƯƠNG

Liên quan tới chất lượng sách giáo khoa mới, TS Thái Văn Tài cho biết, sự khác biệt trong sách giáo khoa mới với sách giáo khoa hiện hành đó là sách giáo khoa hiện hành tiếp cận theo hướng nội dung còn sách giáo khoa mới tiếp cận năng lực học sinh. Các mạch nội dung của bộ sách được xây dựng vào 2 sự khác biệt này.

Trước băn khoăn về việc những cuốn sách giáo khoa này đã được thực nghiệm chưa, TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết: Thông qua quy định của NXB là phải có hồ sơ thực nghiệm. Trách nhiệm NXB tổ chức thực nghiệm theo đúng nội dung chương trình quy định. “Trong quá trình thẩm định, Hội đồng đã làm việc với từng chi tiết nhỏ nhất trong sách giáo khoa với các tác giả” - TS Thành nói thêm.

Thể hiện khác biệt, không thua kém sách nước ngoài

Trao đổi với Lao Động, GS Trần Kiều - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 cho biết: “So với sách hiện hành, nhiều người sợ viết nhiều SGK sẽ “na ná” nhau nhưng thực tế mỗi SGK phải thể hiện được nội dung theo cấu trúc khung đã quy định trong chương trình, điều này không SGK nào từ bỏ được. Mục tiêu, yêu cầu cần đạt cũng là điều bắt buộc. Đấy là điều sẽ giống nhau”.

Đánh giá chung, GS Trần Kiều nhận định, bản mẫu SGK mới cập nhật được về hình thức trình bày, cấu trúc, kênh chữ, kênh hình, đẹp, rõ ràng, không thua kém sách nước ngoài. Với 6 bản mẫu SGK môn Toán theo chương trình mới, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho người học.

Sự thể hiện yêu cầu tích hợp và phân hóa, việc tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và cách thức đánh giá... trong mỗi bản thảo SGK môn Toán lớp 1 cũng khác nhau. Điều đó tạo nên sắc thái riêng của mỗi bản SGK. Đây là điều tiến bộ rất rõ so với SGK hiện hành, GS Trần Kiều nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Toán lớp 1 cũng bày tỏ thêm: Việc viết SGK lớp 1 viết rất khó khăn, chủ yếu phải dùng kênh hình, dùng kênh chữ và qua cô giáo để học trò biết được vì các em chưa biết chữa, lần đầu tiên tiếp xúc với chương trình phổ thông sau khi chuyển từ mẫu giáo lên.

Trong quá trình thực hiện, Bộ GDĐT có yêu cầu cực kỳ kiên quyết là SGK và chương trình không thể là nguyên nhân gây ra nặng nề, quá tải cho người học và các tác giả SGK đã thể hiện rõ ràng điều này.

Với môn Đạo đức, PGS Đào Đức Doãn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lớp 1 - cho biết, 6 bản mẫu sách môn này đều có những sáng tạo và nét độc đáo riêng.

Cùng dạy về chủ đề “Yêu thương gia đình”, có sách cho học sinh khởi động bằng bài hát “Cả nhà thương nhau”, có sách lựa chọn hát các bài “Ba ngọn nến lung linh”, hay bài “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”… Những câu chuyện để học sinh kể theo tranh và trả lời câu hỏi cũng đa dạng trong từng bản thảo sách.

Sự khác biệt của các bộ SGK, theo ông Doãn, là điều tất yếu khi bản thân chương trình giáo dục phổ thông mới có tính mở, trao quyền chủ động sáng tạo trong cách diễn giải vấn đề, cách sử dụng ngữ liệu, phương pháp sư phạm cho tác giả SGK.

Bộ SGK Cánh Diều có đầy đủ tất cả các môn

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Bộ SGK Cánh Diều là bộ SGK đầu tiên và duy nhất trong số 5 bộ SGK vừa được Bộ GDĐT công bố, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, là sản phẩm hợp tác giữa 3 đơn vị: NXB Đại học Sư phạm (thuộc Trường ĐHSPHN); NXB Sư phạm TPHCM (thuộc Trường ĐHSP TPHCM) và Cty Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Bộ SGK Cánh Diều là bộ SGK duy nhất có đầy đủ sách ở tất cả các môn học lớp 1 (ví dụ môn Giáo dục thể chất lớp 1 chỉ có ở bộ sách Cánh Diều, các bộ SGK khác không có). Bộ sách do tập thể các tác giả giỏi và uy tín biên soạn, hầu hết các thầy cô là các Tổng chủ biên, chủ biên biên soạn Chương trình GDPT 2018 của Bộ GDĐT.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động