Có hiện tượng cán bộ xã ở miền núi xin nghỉ việc để xuất khẩu lao động

Hiện nay áp lực của cán bộ công chức cấp xã là rất lớn, số lượng người ít trong khi nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và rất nhiều việc mới, việc khó...
Chủ tịch nước: Cán bộ không được né tránh, sợ trách nhiệm Cơ sở để xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ qua lấy phiếu tín nhiệm

Cán bộ công chức lương không đủ đảm bảo cuộc sống

Chiều 30/10, phát biểu thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần có chính sách về tiền lương, phụ cấp thỏa đáng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để họ đảm bảo đời sống, yên tâm công tác.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn Nhân dân, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và các Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.

Tuy nhiên, có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, qua tìm hiểu nguyên nhân thì được biết hiện nay áp lực của cán bộ công chức cấp xã là rất lớn, số lượng người ít trong khi nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và rất nhiều việc mới, việc khó.

Có hiện tượng cán bộ xã ở miền núi xin nghỉ việc để xuất khẩu lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn.

Mặc dù vậy, tiền lương của cán bộ công chức cấp xã rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực ra thì hầu như không có nguồn thu khác (theo thực tế thì thu nhập 1 tháng của họ được từ 5 - 6 triệu trong khi đi làm công nhân lương tới 10 triệu đồng, đi xuất khẩu lao động khoảng 20 – 30 triệu đồng).

Một nguyên nhân nữa đó là địa bàn miền núi với địa hình chia cắt, đường xá chưa thuận lợi, có nơi chưa có điện và sóng điện thoại nên triển khai công việc phải đến trực tiếp với người dân, phát sinh chi phí đi lại, nhiều cán bộ công chức cấp xã không có ngày nghỉ, cùng với đó là chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao vì thế không đảm bảo được đời sống cho gia đình.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này thì sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với Nhân dân bằng tiếng dân tộc thì có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế xã hội và việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quan tâm hơn nữa đến bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng nêu một thực trang là việc mai một, mất dần bản sắc văn hóa dân tộc đang diễn ra, do tác động của nền kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ, không gian sống bị thu hẹp, môi trường văn hóa bị pha tạp, ảnh hưởng từ nhập ngoại.

Có hiện tượng cán bộ xã ở miền núi xin nghỉ việc để xuất khẩu lao động
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 30/10.

Cùng với đó, lực lượng thanh niên tập trung đi lao động, phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến việc giữ gìn các bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc, thậm chí quên tiếng nói, chữ viết, các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

"Trong thời gian tới nếu không có chính sách đổi mới, đủ mạnh thì sẽ khó để bảo tồn và phát triển sự đa dạng những bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam", đại biểu Nguyễn Thị Huế chia sẻ.

Trên cơ sở đó, nữ đại biểu đề nghị có chính sách về tiền lương, phụ cấp thỏa đáng cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để họ đảm bảo đời sống, yên tâm công tác, khích lệ sự nỗ lực giúp họ tiếp tục cống hiến cho sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị quan tâm bố trí thêm nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc thiết kế nội dung trong chương trình chấn hưng văn hóa để thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.

"Cần có sự quan tâm triển khai trong hệ thống giáo dục để thế hệ trẻ, các bạn học sinh sinh viên, thanh thiếu niên nhi đồng biết yêu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Từ đó biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thu hút phát triển du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp để trao truyền lại cho muôn đời sau", đại biểu nhấn mạnh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động