Cơ sở để xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ qua lấy phiếu tín nhiệm
Giúp cán bộ nhận thấy trách nhiệm trước Nhân dân
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ dành 1,5 ngày để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh và thảo luận từ chiều 24/10 và ngày 25/10.
Trong phát biểu khai mạc kỳ họp sáng 23/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn). |
Đánh giá về việc này, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Vì vậy, hoạt động này sẽ được tiến hành khách quan, công khai, minh bạch để cử tri được biết và tham gia giám sát.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải là chỉ tại kỳ họp thứ 6 mà là cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến bây giờ.
Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đảm bảo tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các đại biểu.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những nội dung này được xem xét, nhìn nhận và đánh giá trong quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy trách nhiệm của mình trước Nhân dân, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở, căn cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ", ông Nguyễn Trường Giang nhận định.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân
Chia sẻ về việc này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Do đó, các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, nhìn nhận cả một quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để đưa ra đánh giá một cách chuẩn xác, khách quan, công tâm nhất.
Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. |
Theo bà Sửu, đây là phương thức giám sát quan trọng, do đó bà kỳ vọng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. Từ đó góp phần tạo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Còn đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Bình Thuận) cũng bày tỏ mong muốn, trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu sẽ thể hiện tinh thần cao nhất để giám sát bộ máy hoạt động của Nhà nước thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo bà Yến, đây sẽ là nội dung sẽ được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi, bởi thông qua đó sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của Nhân dân, thay mặt Nhân dân giám sát những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm.
Nữ đại biểu đoàn Điện Biên cho biết, nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ được sử dụng để làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cũng có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Chẳng hạn, tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao có tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao…
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đây là những bước tiến mới cho thấy giá trị của việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn, hiệu quả hơn; biện pháp áp dụng đối với người có tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.
Nữ đại biểu tin tưởng, qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.