Cô gái "nghĩ là làm" và dự án vì môi trường ý nghĩa

Yêu lối sống tối giản từ năm 2 đại học, Dương Thùy Dung, cựu sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã ấp ủ một dự án giảm thiểu rác thải túi nilon, bảo vệ môi trường. Trải qua nhiều thách thức, tới nay cô gái đã gặt hái nhiều trái ngọt đầu mùa.
3 thanh niên hôn mê sau khi hút thuốc có tẩm ma túy của cô gái trẻ Bắt "nóng" đối tượng cướp giật tài sản của hai cô gái trẻ Cô gái 22 tuổi mắc Covid-19 tử vong có bệnh nền máu ác tính

Dám nghĩ, dám làm

Nói về lý do đến với dự án giảm thiểu rác thải túi nilon, Dương Thùy Dung cho biết: “Trong chuyến đi Đà Lạt năm 2018, mình tình cờ mua được một chiếc làn giá chỉ 30.000 đồng. Mình đã sử dụng nó để đi chợ hằng ngày. Tuy nhiên, ai nhìn thấy mình đeo túi này đi chợ cũng cười bảo sao người trẻ mà lại đi dùng túi của các bà ngày xưa?”.

Cô gái “nghĩ là làm
Dương Thùy Dung

Cả những lần về quê và trong chuyến đi tới các tỉnh, chiếc làn của Dung cũng được cho là lạ lùng như vậy. Tuy nhiên, Dung chỉ quan tâm đến sự tiện lợi và tiết kiệm được lượng lớn túi nilon nên vẫn rất vui. Hơn nữa, chiếc làn này làm bằng chất liệu tốt mà giá lại rẻ, dùng mấy năm rồi không mốc hay đứt dây nào khiến cô gái càng yêu nó hơn.

Tuy nhiên, phải mãi tới tháng 5/2020, sau khi đã hoàn thành chương trình học, với mong ước lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng và không muốn chiếc túi của mình là “đồ lạ” nữa, Dung quyết tâm khởi nghiệp dự án “Làn”. Nghĩ là làm, cô gái trẻ bắt đầu rong ruổi khắp các làng nghề từ Bắc vào Nam để tìm bằng được đúng chất liệu của chiếc túi cô mua trên Đà Lạt.

Nhớ về những chuyến đi không mệt mỏi ấy, cô gái trẻ vẫn đầy hào hứng và nhiệt huyết: “Để làm dự án này, mình xác định bước đầu tiên là phải tìm được ra chất liệu rồi tìm nguồn nguyên liệu sản xuất. Chiếc túi này thoạt nhìn ai cũng nghĩ làm từ cói nhưng sau hàng chục lần đến các làng nghề tận Tiền Giang, Long An, Cần Thơ,… mình mới tìm ra đây là cỏ bàng, loại sợi vàng tươi rất đẹp mà không bị ẩm mốc, bền bỉ hơn cả cói. Lời giải đáp này như một thành quả xứng đáng sau những cố gắng không chùn bước của mình”.

Chiếc làn thay cô gái trẻ truyền thông điệp bảo vệ môi trường
Chiếc làn thay cô gái trẻ truyền thông điệp bảo vệ môi trường

Sẵn sàng về nguồn nguyên liệu, Dung bắt tay triển khai dự án ngay sau đó. Thay vì chọn làm cộng tác viên hay thử sức với số lượng nhỏ, Dung nhập về lô đầu tiên 1000 sản phẩm rồi tự chụp ảnh, lên ý tưởng truyền thông, chăm chút từng sản phẩm gửi đến tay khách hàng.

“Có thể thừa nhận rằng mình rất táo bạo và hơi tự tin quá nhưng đó lại là yếu tố cốt lõi cho mình động lực phát triển dự án này. Nếu chỉ nhập 5, 10 cái thì mình sẽ không thể có áp lực bán hàng đi. Nếu không mạo hiểm rủi ro thì sao mong được thành công lớn khi toàn bộ số tiền tích góp thời sinh viên đã đổ cả vào đây bất chấp sự can ngăn của mọi người”, Dung tâm sự.

Những quả ngọt đầu mùa đầy triển vọng

Những bước đi táo bạo của Dung đã được đền đáp khi 1000 sản phẩm đầu tiên được bán hết chỉ trong hơn 1 tháng. Nhờ sự tiện lợi và tính năng của sản phẩm, ngày càng nhiều khách hàng ưa chuộng hơn. Đến nay, Dung nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ các doanh nghiệp. Những chiếc làn đậm chất Việt Nam cũng được xuất sang thị trường Canada, Bỉ, Nhật Bản,…

Dung cho biết: “Đi lên từ con số 0 khi chưa có kinh nghiệm kinh doanh, truyền thông, mình gặp không ít khó khăn nhưng nhờ sự ủng hộ và những phản hồi tích cực của khách hàng, mình có động lực chăm chỉ hơn. Khi ấy chỉ có một người bạn thân qua phụ giúp, cộng thêm sự hỗ trợ kiến thức từ xa của thầy cô, công việc không tránh khỏi những lúc vất vả mà vẫn đầy niềm vui”.

Cô gái “nghĩ là làm
Xưởng sản xuất làn ở Cần Thơ

Những con số doanh thu biết nói cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức sống xanh, giảm thiểu túi nilon của cộng đồng, cũng là con số biểu trưng cho những gì cô gái nhỏ nhắn này đã đóng góp cho xã hội và môi trường.

Hiện nay, dịch Covid-19 đang khiến xưởng làn tạm dừng hoạt động. Doanh thu 2 tháng gần đây chững lại nhưng Dung không chùn bước mà đang tìm hướng đi mới cho dự án.

Thời gian này, Dung tìm hiểu nhiều hơn về truyền thông và quản trị kinh doanh để phát triển thương hiệu, tranh thủ đào tạo hệ thống cộng tác viên phân phối. Sắp tới, cô gái trẻ dự định triển khai dự án “Từ vườn rau đến bàn ăn”. Dung chia sẻ về dự án này: “Hiện nay có nhiều trang trại sản xuất thực phẩm organic giao hàng mỗi tuần mà không cần qua một bên trung gian, mình sẽ phối hợp với họ để họ sử dụng làn khi giao hàng, lần giao hàng sau sẽ tái sử dụng làn từ lần trước để giảm thiểu túi nilon. Như vậy, thực phẩm đi từ vườn tới bàn ăn sẽ không cần hộp xốp hay bao bì có hại”.

Ngoài ra, Dung đã xây dựng được một cộng đồng “Đi chợ không rác” trên nền tảng Facebook như một diễn đàn cho mọi người giao lưu lối sống xanh. Nhóm này hiện đã có hơn 2.800 thành viên, một con số khá ấn tượng khi chỉ mới bắt đầu.

Nhờ sự ý nghĩa và tính thiết thực, những dự án của Dung nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Dung tâm niệm rằng: “Những sản phẩm này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn là những chiếc làn rất Việt Nam, vật dụng khi xưa các bà, các mẹ vẫn dùng. Càng nhiều làn được bán ra đồng nghĩa rằng nét văn hóa truyền thống đang phần nào được níu giữ lại. Sẽ thật tuyệt vời nếu nơi đâu trên đất nước này ta cũng bắt gặp người phụ nữ cầm làn đi chợ như xưa, có thể là trên đất nước khác, người Việt cũng được nhìn thấy những chiếc làn Việt quá đỗi thân thương”.

Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động