Cô gái 9x khởi nghiệp từ đất đồi “3 không”

Những ngày đầu khởi nghiệp, 3ha đất đồi Nguyễn Lê Ngọc Linh (Như Xuân, Thanh Hóa) mượn của bố mẹ để xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ” chỉ là một quả đồi trọc 3 không: Không đường, không điện, không nước. Trong khi đó, mục tiêu của cô là khôi phục nguồn gen thực vật bản địa, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi…Rất nhiều người đã hoài nghi, liệu Linh có thể làm được…?
Khởi động dự án “Tự tin lập nghiệp” Giúp bạn trẻ nắm cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử Dự án Chinh phục ngôn ngữ giành giải Nhất cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”

Tìm hướng đi riêng

Linh kể: “Mình là người dân tộc Thổ được sinh ra ở xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), một xã miền núi nghèo, thuộc huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Mảnh đất được người ta nói “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Trời nắng cuốc xuống đất cuốc nảy lên, trơ trọi toàn sỏi đá. Mùa mưa đất dính nhẹm, muốn có ăn, có mặc chỉ có cách thoát ly.

Đó cũng là điều cha mẹ mình lấy ra để răn dạy, rằng cố học mà thoát nghèo. Mình cố gắng học, ra đi, bám trụ ở thành phố và có một công việc tốt, thu nhập hấp dẫn là mơ ước trong mắt bao người”.

Thế nhưng, Linh vẫn thấy đau đáu trong mình một nỗi đau khi mỗi lần trở về chỉ thấy những quả đồi núi trọc lóc ngày càng nhiều, đất bỏ hoang bạc thếch. Ở quê chỉ có người già và trẻ thơ nheo nhóc. Những người dân nơi đây luôn bị cái nghèo bủa vây.

Nguyễn Lê Ngọc Linh (bên phải) với sản phẩm mật ong rừng lên men
Nguyễn Lê Ngọc Linh (bên phải) với sản phẩm mật ong rừng lên men

Đặc biệt, câu chuyện người họ hàng của Linh phải chạy vạy khắp nơi mới đủ 2 triệu đồng để đi cấp cứu trong đêm tối khiến cô gái trẻ có suy nghĩ cháy bỏng: "Nhất định phải có cách nào đó để những người thân yêu sống tốt ngay trên chính mảnh đất của mình". Sao đất cứ phải bỏ hoang mà phải bon chen, vật lộn nơi xứ người, cực khổ mà cũng không đủ ăn?

Một ngày cuối năm 2017, Linh hào hứng nói với chồng về mô hình "Vườn rừng bản Thổ". Tuy nhiên, thứ cô gái trẻ nhận lại là sự phản đối của chồng và hai bên gia đình. Linh vẫn âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch của bản thân. Cô lao vào tìm kiếm các giải pháp về nông nghiệp bền vững, đọc sách và tham gia các hội nhóm về nông nghiệp.

“Ngày đó, cứ có hội nhóm nào chứa từ “nông nghiệp” là mình tham gia. Ngày đi làm, tối thức đến 2-3h sáng lọ mọ đọc hết mọi bài viết người ta chia sẻ. Ai chia sẻ kiến thức chi tiết, mình nhắn tin xin kết bạn rồi tìm trang của họ đọc. Bài nào hay mình lấy giấy bút ghi chép lại các ý”, Linh chia sẻ.

Năm 2018, Linh quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp với 3 héc ta đất đồi bố mẹ cho mượn để xây dựng mô hình "Vườn rừng Bản Thổ". Dù bắt đầu khởi nghiệp trên một quả đồi trọc, không đường, không điện, không nước nhưng Linh coi đó là động lực để phấn đấu.

Nông nghiệp bền vững

Mục tiêu của Linh là tạo ra một mô hình vườn rừng bền vững. Ở đó sinh kế được đảm bảo mà không cần chặt đi cây rừng nào, không cần hủy hoại sức khỏe của bản thân và cả hệ sinh thái bởi thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà năng suất cây trồng vẫn cao.

Cô gái 9x khởi nghiệp từ đất đồi “3 không”
Vượt qua nhiều khó khăn, bước đầu Ngọc Linh thu trái ngọt

Sau khi thành công, Linh sẽ nhân rộng và liên kết với các hộ nông dân xung quanh để trồng vườn rừng và mở rộng diện tích ra những vùng đồi trọc, trồng độc canh keo, cao su. Từ đó, người nông dân có thể sống đủ đầy, thậm chí sống khỏe mạnh trên chính mảnh đất của mình.

Vì mục tiêu đó, Linh bền bỉ nỗ lực từng ngày dù vấp phải rất nhiều khó khăn. Tính đến tháng 10/2021, vườn rừng bản Thổ đã phủ xanh được 3ha đồi trọc với hơn 100 loài cây, bao gồm một số cây rừng bản địa như (lim, trám, dẻ, sả sịa, mắc khén, dổi nếp). Xen vào đó, Linh trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (bưởi, ổi, mít, hồng xiêm, na, xoài, dứa, chuối, đu đủ, đào); các cây dược liệu (chùm ngây, thiên môn đông, gừng, tỏi, nghệ, cúc hoa, đậu biếc, bồ công anh) hoàn toàn theo canh tác hữu cơ để không gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái tự nhiên.

Khi thấy những tín hiệu tích cực từ dự án vườn rừng bản Thổ của Linh, hợp tác xã Bản Thổ đã được thành lập để liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng. Cô gái trẻ trên điều kiện tự nhiên (vùng đồi núi thuận lợi nuôi ong, trồng cây thảo dược) và khảo sát thị trường (miền xuôi khó cạnh tranh) để cùng cộng sự xây dựng xưởng chế biến mật ong lên men.

Mô hình mang lại doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 thanh niên.

Mơ ước của Linh là xây dựng được một nhà máy chế biến nông sản; Phát triển du lịch bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cổ truyền của người dân tộc Thổ. Cô gái trẻ đang nỗ lực từng ngày với mong muốn góp phần thay đổi diện mạo xã Hóa Quỳ (Như Xuân, Thanh Hóa) tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên khác quyết tâm lập nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Với 81 đề cử đến từ 45 tỉnh thành trên cả nước, Nguyễn Lê Ngọc Linh vinh dự là 1 trong 32 thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét chọn và trao giải thưởng Lương Định Của năm 2022 - đây là phần thưởng cao quý dành cho "Nhà nông trẻ" tiêu biểu, xuất sắc.
Phương Thanh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động