Cố đô Huế sẽ được quy hoạch mở rộng gấp 5 lần
Thừa Thiên Huế: Thu hồi Dự án Nhà ở sinh viên, doanh nghiệp "tố" bị “ép” Huế: Khởi tố bác sĩ hãm hiếp, đánh đập nữ điều dưỡng 9x Thừa Thiên Huế: Dân “tố” cựu Chủ tịch xã trục lợi đất đai |
Một góc thành phố Huế |
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, vừa thông qua Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa.
Tuy nhiên, hiện quy mô đô thị Huế nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (5.029 người/km2, quy định 2.000 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tính đến việc mở rộng đô thị.
Theo đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2, tức là sẽ gấp 5 lần so với diện tích hiện tại.
Khu vực nội đô kinh thành Huế |
Ông Định thông tin thêm, TP Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về hai hướng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Việc mở rộng theo hướng này sẽ giúp thuận tiện trong việc giao thông đi lại, tạo động lực để phát triển rõ nét về kinh tế của địa phương.
“Bên cạnh việc mở rộng TP để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi TP hiện tại thì hướng chính để thúc đẩy cho thành phố phát triển mạnh hơn đó chính là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai chân kiềng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP Huế” - ông Định nói.
Được biết thời gian qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, cơ sở hạ tầng về phía nam thành phố. Tỉnh lập khu đô thị mới An Vân Dương hơn 1.700 hecta thuộc xã Phú Thượng (huyện Phú Vang), xã Thủy Vân, phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) và phường An Đông (Huế). Nhiều tuyến đường lớn được xây dựng đầu tư như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt. Trung tâm hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang được xây dựng tại khu đô thị này.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc xây dựng đô thị Huế trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực là hết sức cần thiết, đây cũng là sự mong mỏi của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, là vùng đất văn hiến, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lăng tẩm nằm trên các địa bàn TP. Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà nên việc phát triển đô thị Huế không chỉ là bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh, của vùng và của cả nước mà còn tạo cơ hội trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc trên địa bàn tỉnh.
Hiện đề án đang được trình hội nghị Tỉnh ủy, nếu được phê duyệt sẽ triển khai lấy ý kiến chuyên gia, người dân trước khi thực hiện.