Chuyên gia: Mấu chốt hiện nay là tháo "ngòi nổ" trái phiếu doanh nghiệp
Thủ tướng đã lập 3 tổ công tác xử lý các vấn đề về trái phiếu, bất động sản, ngân hàng Bộ Tài chính họp về trái phiếu doanh nghiệp: Các doanh nghiệp kiến nghị gì? |
Trả lời báo chí, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền tắc nghẽn là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị tê liệt, kênh cổ phiếu thì thị trường ảm đạm; room tín dụng rất eo hẹp...
Một trong những lý do khiến dòng tiền bị tắc nghẽn khan hiếm còn do đầu tư công và các gói hỗ trợ tài khóa giải ngân quá chậm. Vấn đề nữa là tâm lý phòng thủ của thị trường rất cao dẫn đến thanh khoản khan hiếm.
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, khó khăn lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý ba bài toán. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là câu chuyện tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế. Thứ ba là an toàn của hệ thống ngân hàng.
TS. Võ Trí Thành nhận định, mấu chốt tháo điểm nghẽn thị trường hiện nay vẫn là tháo "ngòi nổ" trái phiếu doanh nghiệp.
Theo vị chuyên gia, nếu muốn gỡ được điểm nghẽn này, cần phải lưu tâm đến một số vấn đề. Trước tiên là thông tin minh bạch và nhà hoạch định chính sách phải cam kết rất rõ ràng về trái phiếu. Bên cạnh đó, cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải hài hòa hơn, khéo léo hơn.
Mặt khác, theo vị chuyên gia, Việt Nam cũng có thể tham khảo cách giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc gần đây để đưa ra giải pháp cho phù hợp.
Ông Thành cho biết cho biết, gói giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc tập trung vào một số điểm cơ bản, trong đó tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay lại vận hành; linh hoạt điều kiện cho vay với bất động sản…
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia |
Ngày 23/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến về những khó khăn đang hiện hữu trên thị trường và đề xuất giải pháp đối với các cơ quan quản lý.
Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, thị trường vốn, bao gồm cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật hai vấn đề lớn là thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế đang bị “ngưng tắc” và niềm tin của nhà đầu tư đã bị suy giảm.
Cũng theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận các kênh vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn từ kênh ngân hàng rất khó khăn do room tín dụng đã hết, đồng thời, lãi suất vay đã tăng rất cao. Thị trường chứng khoán thời gian qua suy giảm nên doanh nghiệp cũng khó huy động vốn qua kênh này.
Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, sau các vụ việc đơn lẻ xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông, niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh, hành động rút vốn ồ ạt diễn ra, gây sức ép rất lớn cho việc trả nợ trước hạn của doanh nghiệp, đặc biệt lại trong bối cảnh thanh khoản dòng tiền gặp khó khăn.
Chính vì vậy, tại cuộc họp, các doanh nghiệp đều đồng thuận đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ cần sớm có giải pháp để tạo thanh khoản dòng tiền cho nền kinh tế và lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư, để hỗ trợ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp hồi phục, tăng trưởng trở lại.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn và cần tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn quan trọng này cho doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và chính các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để công chúng đầu tư hiểu rõ về bản chất của thị trường, cũng như chính hoạt động và sức khỏe của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề hoàn thiện pháp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường.
Đặc biệt, riêng với Nghị định 65, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để đảm bảo khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, các dự án khả thi, hiệu quả, tránh đầu tư vốn dàn trải để có nguồn vốn cho việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, cơ quan quản lý sẽ tạo mọi điệu kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng quy định pháp luật; tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn tới kênh phát hành hiệu quả này.
Cũng liên quan tới đề xuất của doanh nghiệp về room tín dụng và các khó khăn về pháp lý dự án trên thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có trao đổi với các bộ, ngành liên quan và báo cáo với Chính phủ.