Bộ Tài chính họp về trái phiếu doanh nghiệp: Các doanh nghiệp kiến nghị gì?
Hé mở nội dung cuộc họp của Bộ Tài chính về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Nhà đầu tư nên giữ bình tình, tránh bán tháo trái phiếu doanh nghiệp |
Sớm có giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa chủ trì cuộc họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp đã phát biểu ý kiến về những khó khăn đang hiện hữu trên thị trường và đề xuất giải pháp đối với các cơ quan quản lý.
Theo đó, các ý kiến đều cho rằng, thị trường vốn, bao gồm cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật hai vấn đề lớn là thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế đang bị “ngưng tắc” và niềm tin của nhà đầu tư đã bị suy giảm.
Cũng theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận các kênh vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn từ kênh ngân hàng rất khó khăn do room tín dụng đã hết, đồng thời, lãi suất vay đã tăng rất cao. Thị trường chứng khoán thời gian qua suy giảm nên doanh nghiệp cũng khó huy động vốn qua kênh này.
Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, sau các vụ việc đơn lẻ xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty An Đông, niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh, hành động rút vốn ồ ạt diễn ra, gây sức ép rất lớn cho việc trả nợ trước hạn của doanh nghiệp, đặc biệt lại trong bối cảnh thanh khoản dòng tiền gặp khó khăn.
Quang cảnh cuộc họp |
Chính vì vậy, tại cuộc họp, các doanh nghiệp đều đồng thuận đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ cần sớm có giải pháp để tạo thanh khoản dòng tiền cho nền kinh tế và lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư, để hỗ trợ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp hồi phục, tăng trưởng trở lại.
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên thị trường và doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn lưu động của các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, do vậy các ngân hàng cần nới room tín dụng để hỗ trợ dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp vượt khó khăn trước mắt.
Cùng với đó, phần lớn các ý kiến đều thống nhất, cần đẩy mạnh truyền thông cải thiện niềm tin trên thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy, định hướng của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là phù hợp với xu thế phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cần nghiên cứu để nới lỏng hoặc có lộ trình áp dụng một số quy định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành TPDN ra công chúng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần xem xét việc sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN để các ngân hàng có thể tham gia mua lại trái phiếu đã phát hành, vì hiện nay lượng trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ là rất lớn.
Đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng đang tìm nhiều giải pháp để huy động vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dòng tiền và đặc biệt sẽ ưu tiên cho việc trả gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính, các Sở giao dịch chứng khoán cũng phát biểu chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.
Đồng thời, các đơn vị này cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, cũng như đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông để cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cải cách thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng với quy định pháp luật.
Cần nới room tín dụng, duy trì thanh khoản để doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông
Các doanh nghiệp cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cần nới room tín dụng ngân hàng, duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông; các tổ chức phát hành phải thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết đối với các nhà đầu tư; về phía cơ quan quản lý nhà nước cần giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu đúng hạn.
Vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" |
Theo ông Nguyễn Vũ Long - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý IV/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Ông Long cho rằng, trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ cái tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
“Niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư, do đó cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn. Nhà đầu tư cần biết rằng đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Vũ Long nêu ý kiến.
Đối với thị trường cổ phiếu, hiện nay Việt Nam đã phát triển đến giai đoạn mà yếu tố cung cầu trên thị trường tự cân bằng theo theo quá trình, có giai đoạn thị trường tâm lý chung là tiêu cực bi quan nhưng trong dài hạn là sự cân bằng trở lại và thị trường cổ phiếu sẽ phản ánh đúng với sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam.
Bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phân Chứng khoán Kỹ thương cũng cho biết, các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Trong khi sắp tới lượng trái phiếu đáo hạn thì cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới là họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.
Bà Trang bày tỏ mong muốn làm sao có thể tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, là sức mạnh nguồn vốn đến từ sức dân, có quy trình thẩm định rất chặt chẽ về pháp lý, gúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên. Để khuyến khích doanh nghiệp tập trung kênh này thì các cơ quan nhà nước có thể xem xét lại về quy trình thủ tục, sao cho tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn.
Nói về trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho rằng, các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm hoàn trả nợ trái phiếu đến hạn cho các đầu tư, đây không phải trách nhiệm của nhà nước.
Theo ông Bình, mặc dù hiện nay, dòng tiền của các doanh nghiệp đang rất khó khăn nhưng doanh nghiệp phải chủ động xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí phải bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về mà thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư trái phiếu. Có như vậy thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.
Ông Bình cũng cho rằng, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản có thể giải quyết nhanh để các nhà đầu tư trong các dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm để có điều kiệnbán được với giá rẻ và thu hồi vốn thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn. Doanh nghiệp phải luôn luôn xác định việc thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư là một việc đặc biệt quan trọng để giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn và cần tiếp tục khơi thông kênh dẫn vốn quan trọng này cho doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và chính các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để công chúng đầu tư hiểu rõ về bản chất của thị trường, cũng như chính hoạt động và sức khỏe của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề hoàn thiện pháp lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, nghiên cứu tổng thể các văn bản pháp lý, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của thị trường.
Đặc biệt, riêng với Nghị định 65, Bộ Tài chính sẽ đánh giá, xem xét, nghiên cứu và nếu cần sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng nới quy định hoặc lộ trình áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị các doanh nghiệp tìm mọi giải pháp để đảm bảo khả năng trả nợ trái phiếu đúng hạn cho nhà đầu tư. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, các dự án khả thi, hiệu quả, tránh đầu tư vốn dàn trải để có nguồn vốn cho việc thanh toán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng khẳng định, cơ quan quản lý sẽ tạo mọi điệu kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng đảm bảo đúng quy định pháp luật; tuy nhiên, về phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn tới kênh phát hành hiệu quả này.
Cũng liên quan tới đề xuất của doanh nghiệp về room tín dụng và các khó khăn về pháp lý dự án trên thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có trao đổi với các bộ, ngành liên quan và báo cáo với Chính phủ.