Chuyên gia đầu ngành trao đổi về xu hướng và sáng kiến xây hệ sinh thái ngân hàng số
Ứng dụng ngân hàng số của SeABank phiên bản SeALady |
Sáng ngày 8/9, Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tập đoàn IEC và Công ty Backbase đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm trực tuyến các lãnh đạo ngân hàng với chủ đề: “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và Sáng kiến chiến lược”.
Tham dự Tọa đàm có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc MBBank; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV; bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng giám đốc BIDV phụ trách khối Bán lẻ và TTNHS; ông Đinh Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank; ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam; bà Trần Diễm Chi, Đại diện Backbase tại Việt Nam.
Dưới tác động của dịch Covid-19 kéo dài và môi trường kinh doanh ngày càng biến động, các ngân hàng truyền thống đang đối mặt với những khó khăn buộc lãnh đạo phải có những chủ trương, biện pháp thay đổi kịp thời.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: “Lĩnh vực Ngân hàng - Tài chính là một trong những lĩnh vực tiên phong và ưu tiên trong việc thực hiện các chính sách, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Một trong những nội dung rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số chính là xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số. Các lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng cần có một cách hiểu toàn diện về chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, cũng như có sự quyết tâm lãnh đạo, đi đầu trong quá trình thực hiện thì mới đạt được thành công.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh chụp màn hình |
Theo dự báo từ Fintech và Ngân hàng kỹ thuật số năm 2025 của IDC do Backbase ủy quyền, 30% doanh nghiệp trong các ngân hàng Việt Nam được dự đoán sẽ bị đe dọa từ những thách thức kỹ thuật số mới. Ngoài ra, cả khách hàng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp hiện đều có nhu cầu cao về dịch vụ ngân hàng, cũng như các giải pháp cá nhân hóa và thanh toán thông qua ứng dụng trực tuyến.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Trong thực tế, chuyển đổi số trong các ngân hàng Việt Nam còn chưa mang tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng kịp với tốc độ công nghệ số.”
Hiện nay, các hình thái về ngân hàng số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có sự phát triển nhanh và đa dạng nhất, vượt qua cả các thị trường có trước như Châu Mỹ hay Châu Âu.
Các thành viên tham gia tọa đàm |
“Những xu hướng đem đến các dịch vụ ngân hàng gắn chặt với các giá trị mà khách hàng được hưởng hằng ngày sẽ một trong những định hướng dẫn đến sự thành công của các ngân hàng số.” - Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc PwC Vietnam nhận định.
Giải đáp về ý kiến của khán giả Huy Nguyễn về việc liệu có sự giống nhau khi vận hành các ngân hàng số với các công ty công nghệ hay không, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV cho rằng: “Các ngân hàng không thể vận hành 100% như các công ty công nghệ. Bởi vì ngân hàng còn gắn với các vấn đề pháp lý chặt chẽ về quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, các ngân hàng số cũng sẽ linh hoạt trong việc chuyển đổi công nghệ các dịch vụ đến khách hàng.”
Thảo luận về vấn đề trọng tâm trong tròn cao cấp, các diễn giả chia sẻ giải pháp về xây dựng mối quan hệ và gắn kết khách hàng trong thế giới số, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng trong thời kỳ Covid-19, thúc đẩy tích hợp công nghệ và quan hệ đối tác giữa ngân hàng và Fintech, tái gắn kết khách hàng của chi nhánh trong thời kỳ giãn cách và tích hợp mô hình đa kênh.