Chương Mỹ tập trung củng cố các đoạn đê vỡ, sạt lở trước mùa mưa lũ

Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, thành phố đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở liên quan và huyện tập trung củng cố hệ thống đê Hữu Bùi, những đoạn vỡ năm 2017 và sạt lở năm 2018. Trong trường hợp khi nước dâng cao trên 7 mét buộc phải cho tràn đê, Chính quyền địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân…
Loạt lò gạch không phép tại Chương Mỹ, báo cáo một đằng thực hiện một nẻo Hà Nội: Xây nhà 9 tầng, mũ ni che tai, ai sẽ là người xử lý Hà Nội: Công an huyện Chương Mỹ khởi tố bác rể sát hại cháu bé 7 tuổi
chuong my tap trung cung co cac doan de vo sat lo truoc mua mua lu
Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ thông tin tại buổi giao ban báo chí

Chiều 21/5, thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án phòng, chống thiên tai tại các xã bị ngập lụt trong năm 2018, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 con sông chảy qua gồm: Sông Tích, sông Đáy và sông Bùi với hơn 100 km đê bao quanh.

Huyện có 7 xã ở ven sông Hữu Bùi, nằm trong vòng thoát lũ của Hà Nội. Do thiết kế đê Hữu Bùi chỉ cao 7 mét nên khi mức nước lũ dâng cao hơn 7 mét, theo thiết kế phải buộc cho tràn. Vì vậy, nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế ở các xã này gặp không ít khó khăn. Đời sống của người dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng không nhỏ mỗi mùa mưa lũ.

Theo ông Hùng, biện pháp lâu dài là di dời người dân nơi đây. Trước mắt, thành phố đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở liên quan và huyện tập trung củng cố hệ thống đê Hữu Bùi, những đoạn vỡ năm 2017 và sạt lở năm 2018. Chủ trương của thành phố là xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2019. Trong trường hợp khi nước dâng cao trên 7 mét buộc phải cho tràn đê, chính quyền địa phương phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; bảo đảm đủ lương thực, nước uống và điều trị bệnh cho nhân dân nếu dịch bệnh xảy ra; đồng thời làm tốt công tác xử lý môi trường, phục hồi sản xuất sau thoát lũ...

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, trong mùa mưa bão năm 2018, các công tác này đã được thực hiện tốt tại các xã trong vùng thoát lũ, nhờ vậy, 3600 hộ dân dù bị ngập úng trong vòng 1 tháng nhưng không có dịch bệnh nào xảy ra; lương thực, thực phẩm cho người dân cũng được đảm bảo cung cấp kịp thời...

Cũng theo ông Hùng, năm 2019 tình hình khả năng diễn ra phức tạp hơn, bên canh việc thực hiện các công tác trên, huyện sẽ tiếp tục thi công các công trình phòng chống lụt bão; kiểm tra các công trình ảnh hưởng sau mùa mưa bão năm 2018; báo cáo công trình đê điều trước mùa mưa bão xảy ra…

Thường Duy
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động