Chung cư cũ nguy hiểm tại Hà Nội: Gỡ vướng để sớm di dời

Hiện, trên địa bàn Thủ đô có 7 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (mức nguy hiểm cao nhất, có nguy cơ sụp đổ).
Hà Nội: Chủ tịch Chu Ngọc Anh làm Trưởng Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ Hà Nội sẽ chi ngân sách để kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ

Thảm kịch sập chung cư 12 tầng tại bang Florida (Mỹ) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mới đây, là lời cảnh báo về an toàn kết cấu tại các chung cư cao tầng. Hiện, trên địa bàn Thủ đô có 7 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (mức nguy hiểm cao nhất, có nguy cơ sụp đổ). Thành phố đã ban hành các quyết định di dời khẩn cấp người dân tại các chung cư này, song đến nay vẫn còn 5/7 chung cư chưa hoàn tất việc này. Do đó, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, để di dời người dân khỏi các nhà chung cư này.

Chung cư cũ nguy hiểm tại Hà Nội: Gỡ vướng để sớm di dời
Vết nứt tách rộng giữa hai khối nhà tại chung cư G6A Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Phong Châu

Đã cải tạo, xây dựng mới 2/7 chung cư nguy hiểm

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1990. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã tiến hành 5 đợt kiểm định, từ đó phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần: Cấp A (chỉ cần sửa chữa nhỏ), cấp B (cần sửa chữa nhỏ nhưng chưa thật cấp bách), cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường), cấp D (phải xây dựng mới, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sụp đổ).

Qua các đợt kiểm định (tổng số 377 nhà chung cư cũ), các cơ quan chức năng đã xác định 7 nhà cấp D, gồm: B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (đều tại quận Ba Đình) và tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).

Trên cơ sở kết quả kiểm định này, từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có các quyết định di dời khẩn cấp người, tài sản tại các nhà chung cư cấp độ D để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Bùi Tiến Thành, đến nay mới có 2/7 chung cư cũ nguy hiểm cấp D hoàn thành di dời các hộ dân, thực hiện cải tạo, xây dựng mới; đó là nhà B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 5/7 chung cư cũ cấp D chưa hoàn tất việc này.

Là quận tập trung nhiều chung cư cấp độ D nhất, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Bùi Thanh Bình cho biết, trong số 4 chung cư cũ cấp D còn lại trên địa bàn quận, đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ còn 18/37 hộ dân; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công còn 28/49 hộ dân; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh còn 7/27 hộ dân; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp còn 1/42 hộ dân chưa di dời.

Chia sẻ lý do chưa di dời khỏi chung cư nguy hiểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (phòng 317, C8 Giảng Võ) cho biết: “Chúng tôi hiểu chính quyền lo cho dân, yêu cầu di dời khỏi nhà nguy hiểm là để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Tuy nhiên, người dân còn một thắc mắc lớn, đó là căn hộ - tài sản lớn của mỗi gia đình sẽ xử lý như thế nào? Chúng tôi muốn sớm gặp gỡ chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư để được trực tiếp thỏa thuận việc bồi thường, tái định cư, hỗ trợ tạm cư, cũng như biết được tiến độ xây dựng lại sẽ ra sao”.

Còn tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công, mặc dù khối nhà đã nghiêng, tách hẳn khỏi khối nhà liền kề với vết nứt rộng nhất lên đến 0,8 - 1,2m, song ông Nguyễn Văn Chi (phòng 407, đơn nguyên 2 nhà G6A Thành Công) cho rằng, ngay từ khi mới đưa vào sử dụng (năm 1990), khối nhà đã lún nghiêng như vậy và… vẫn giữ ổn định từ đó đến nay.

Tham mưu sửa đổi các quy định bất cập

Chung cư cũ nguy hiểm tại Hà Nội: Gỡ vướng để sớm di dời
Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (quận Ba Đình) là một trong 7 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D phải di dời khẩn cấp theo quyết định của UBND thành phố. Ảnh: Quang Thái

Chưa hoàn tất công tác di dời khỏi chung cư nguy hiểm, vì vậy hằng năm, vào mùa mưa bão, Sở Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội lại có các văn bản đôn đốc, đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương hoàn thành di dời người dân, tài sản tại các chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn để bảo đảm an toàn.

Chia sẻ khó khăn trong công tác này, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết, UBND quận đã tuyên truyền, vận động, đối thoại, song nhiều hộ vẫn chưa đồng thuận. Nguyên nhân chủ yếu là vì chưa có thông tin về quy hoạch, chủ đầu tư và các chính sách về tái định cư…

Trong khi đó, quy định pháp luật về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang tồn tại một số bất cập, khiến việc di dời, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nói chung, chung cư cũ nguy hiểm cấp D nói riêng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ quy định phải có quy hoạch được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền mới tổ chức hội nghị nhà chung cư và lựa chọn nhà đầu tư; song, các chung cư thuộc nhóm D hiện đều... chưa có quy hoạch.

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, tăng tính khả thi trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, thành phố đang phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc tham mưu sửa đổi Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Các đề xuất như: Xác định vai trò chủ đạo của Nhà nước trong rà soát, kiểm tra, kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ; lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết và xác định phạm vi ranh giới dự án ngay khi lập trình duyệt quy hoạch làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư… đã được Bộ Xây dựng thống nhất.

"Trước mắt, thành phố sẽ tập trung nguồn lực tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2025 và đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; trong đó, ưu tiên các khu nhà nguy hiểm cấp D", ông Võ Nguyên Phong thông tin thêm.

Nguồn: Hà Nội mới
hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động