Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch tỉnh Hòa Bình 2019
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và đánh chiêng khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh chiêng khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; đại diện một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tham dự chương trình
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, Tuần Văn hóa, Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019 là sự kiện văn hóa quan trọng được tổ chức nhằm giới thiệu về vùng đất, văn hóa, con người và thiên nhiên tươi đẹp của tỉnh Hòa Bình; quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh tới đông đảo du khách gần xa.
Với một chuỗi sự kiện diễn ra sôi động trong một tuần, nhiều hoạt động chính được tổ chức tại thành phố Hòa Bình và các địa phương trong tỉnh. Đây là dịp các đại biểu và du khách có những trải nghiệm, khám phá thú vị với màn trình diễn nghệ thuật Chiêng Mường độc đáo; tham dự không gian Trưng bày và trình diễn Di sản Văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình; thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo cùng các sản vật của địa phương trong chương trình Liên hoan văn hóa ẩm thực “Xứ Mường”; khám phá, trải nghiệm, kết nối du lịch địa phương và đồng hành cùng với chương trình cuộc thi Người đẹp xứ Mường; tham dự hội hát Thường Đang Bộ Mẹng. Đặc biệt, đêm chung kết cuộc thi “Người đẹp Xứ Mường”, nơi tôn vinh vẻ đẹp và văn hóa xứ Mường sẽ là điểm nhấn độc đáo, lan tỏa bởi những giá trị nhân văn sâu sắc.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, mảnh đất, con người Hòa Bình gắn liền với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nơi đang lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa quý báu, đồng thời được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan tươi đẹp, kỳ vĩ, hấp dẫn. Tất cả những yếu tố đó đã và đang được tỉnh Hòa Bình tập trung khơi dậy, phát huy một cách mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời tạo sự đổi thay toàn diện trên quê hương Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ; xây dựng sản phẩm du lịch - văn hóa; chỉnh trang nâng cấp đô thị; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh; giữ gìn cảnh quan môi trường. Các doanh nghiệp cùng với cộng đồng người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch là cơ sở để ngành du lịch tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình là tỉnh tăng trưởng xanh; là trung tâm du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, trải nghiệm chất lượng cao của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tuần Văn hóa, Du lịch năm 2019 là cơ hội để tỉnh Hòa Bình giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của địa phương tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy sâu hơn về hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Hòa Bình, góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Hòa Bình là một tỉnh miền núi có nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng – cái nôi văn hóa của người Việt cổ, là vùng sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”, là miền đất âm vang tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc: Mường, Kinh, Dao, Thái, Tày, Mông…
Tại lễ khai mạc, các đại biểu, du khách và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt - “Hòa Bình – Miền sử thi”. Phần 1 với tên gọi “Âm vang nguồn cội”, bao gồm hoạt cảnh “Đẻ đất – đẻ nước”, “Sắc mầu dân tộc Hòa Bình”, múa “Khua đuống đêm trăng”. Phần hai là chương trình nghệ thuật “Ngày hội của núi rừng”, phần ba là màn trình diễn “ Hòa Bình – Ước vọng ngày mới”.
Đến chung vui với ngày hội trên đất Hòa Bình, bạn bè và du khách bốn phương không chỉ được ngắm nhìn một vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, nơi sinh tụ của các dân tộc anh em và tọa lạc giữa vùng núi non hùng vĩ với nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, mà đây còn là dịp khám phá một tiểu vùng tinh kết các nét văn hóa đặc trưng, độc đáo, phong phú của các dân tộc vùng Tây Bắc... Đó cũng chính là một trong những thế mạnh để quê hương Hòa Bình phấn đấu trở thành một địa phương phát triển trên các phương diện kinh tế - xã hội - anh ninh - quốc phòng...
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại xã Tây Phong, phía nam huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Tây Phong 1.320 hộ dân với ba dân tộc (Mường, Dao, Kinh) sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 57%. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 75 hộ chính sách.
Có đường Quốc lộ 6 chạy qua, địa hình của xã Tây Phong tương đối bằng phẳng, đồi núi thấp. Xã hiện có tổng diện tích gieo trồng là 600 ha, trong đó cây trồng chủ lực là cây có múi với hơn 248 ha cam, quýt. Diện tích đang thời kỳ kiến thiết chiếm 2/3 trên tổng số diện tích phát triển tốt, còn lại là diện tích đang thời kỳ kinh doanh. Năm 2018, xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, xã đang phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2020…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu xem cam được đóng hộp tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Làm việc tại xã Tây Phong, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Tây Phong là xã miền núi đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân được nâng lên. Chúc mừng Tây Phong được công nhận xã nông thôn mới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Bày tỏ mong muốn xã tiếp tục duy trì những thành quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh Hòa Bình, huyện Cao Phong tiếp tục hỗ trợ để cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Phong phấn đấu đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội, là xã nông thôn mới, khi đề ra các chỉ tiêu phấn đấu, Hội đồng nhân dân xã Tây Phong cần chú ý xây dựng kế hoạch phù hợp, nhất là trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, không để xảy ra tái nghèo. Trong sản xuất, xã cần chú ý nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Cùng với đó, xã tiếp tục duy trì công tác bảo vệ môi trường để đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khang trang; cộng đồng dân cư đoàn kết, phát huy tình làng nghĩa xóm, cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác cũng đã tới thăm vườn trồng cam của hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại Khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình; tới thăm và trao quà tặng gia đình thương binh Bùi Văn Bổm (sinh năm 1946) và một số hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại xóm Bảm, xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.