Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần chấm dứt tình trạng "phạt - cho tồn tại"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nông nghiệp năm nay sẽ rất khó khăn vì dịch bệnh Chương trình nghị sự của Quốc hội trong ngày làm việc thứ 2 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai (Ảnh: TTXVN) |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã thẳng thắn thừa nhận các tồn tại, hạn chế
Sáng nay (5/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã kết thúc phần trả lời chất vấn, giải trình các vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố.
Nhóm vấn đề này đã có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận. Một số vấn đề chưa trình kịp tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà sẽ tiếp tục trả lời bằng văn bản.
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong phần tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ các nội dung mà đại biểu nêu.
"Nếu sau phiên chất vấn, Chính phủ chỉ đạo đúng như Phó Thủ tướng vừa nói thì lĩnh vực xây dựng sẽ có một bước phát triển tốt và có những biện pháp đột phá hơn" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi. Nhiều đại biểu đặt câu hỏi tập trung, đi thẳng vào vấn đề mà xã hội đang quan tâm, theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, trong lần đầu tiên Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã bao quát cơ bản được các nội dung thuộc lĩnh vực được chất vấn, nắm được tình hình, thực trạng, trả lời hầu hết các vấn đề được đại biểu nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành và đưa ra giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà |
Các lĩnh vực xây dựng nói chung và các vấn đề được đưa ra chất vấn liên quan mật thiết với đời sống của người dân. Nhiều nội dung có tính vĩ mô liên quan đến công tác quản lý, điều hành, phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương. Có những vấn đề mới xuất hiện, nảy sinh trong thực tiễn, đòi hỏi phải có các giải pháp thiết thực để giải quyết.
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, thực thi nhiều giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị: "Chúng ta đều biết diện mạo các đô thị có chuyển biến tích cực, thị trường bất động sản dần đi vào nề nếp, là một kênh đầu tư quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các nội dung chất vấn đại biểu chất vấn từ hôm qua đến nay cũng còn không ít tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu. Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận và đưa ra giải pháp và thời gian thực hiện những giải pháp trên. Có vấn đề mới xuất hiện, có nội dung xuất phát từ khách quan sự phát triển của nền kinh tế nhưng không ít vấn đề xuất phát từ chủ quan của chính công tác quản lý, điều hành".
Chấm dứt tình trạng "phạt - cho tồn tại", xử lý triệt để các hành vi vi phạm về xây dựng
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn và một số vấn đề sau:
Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan đến kinh doanh, quản lý nhà chung cư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản, quản lý trật tự đô thị, chấm dứt tình trạng "phạt - cho tồn tại" trong quản lý xây dựng, trong quản lý, vận hành nhà chung cư.
Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về vấn đề sai phạm chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư chưa khiến các đại biểu Quốc hội hài lòng và phản ứng gay gắt.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung để đến năm 2021, ban hành và thực hiện hệ thống định mức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá xây dựng bảo đảm minh bạch, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng định mức, đơn giá của nước ngoài đối với những lĩnh vực chưa có định mức.
Năm 2019 ban hành 4 quy chuẩn, 62 tiêu chuẩn về quy hoạch và xây dựng; ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, làm cơ sở cho công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa trong quản lý đầu tư xây dựng công trình và quản lý xây dựng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và xử lý triệt để các hành vi vi phạm về xây dựng, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra về chất lượng công trình, thực hiện quy hoạch chi tiết và công tác cấp phép xây dựng; Chú ý công tác rà soát về mật độ xây dựng, độ cao, diện tích cây xanh, hệ thống phụ trợ trong xây dựng đô thị, khu dân cư; Tổng kết, hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng đô thị cho phù hợp với thực tiễn;
Tập trung phối hợp với địa phương xử lý dứt điểm các sai phạm tại công trình 8B Lê Trực và chung cư HH Linh Đàm.
Tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất theo quy hoạch và kế hoạch, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, từng vùng và cả nước theo từng giai đoạn.
Công tác quy hoạch phải bảo đảm công khai, minh bạch trong việc lập, phê duyệt và công bố quy hoạch theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác quy hoạch gắn với giảm áp lực dân số nội đô, phù hợp với hệ thống hạ tầng, cảnh quan đô thị; quan tâm đúng mức công tác tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư đối với các đồ án quy hoạch; năm 2019, hoàn thành việc lập cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch.
Sớm phê duyệt các loại quy hoạch theo Luật Quy hoạch nhằm hạn chế những bất cập của công tác quy hoạch hiện nay; kiểm soát và xử lý tình trạng quy hoạch nhưng không triển khai thực hiện; chấn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ và quy hoạch chi tiết một cách tùy tiện, lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để trục lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhân dân và nhà nước.
Có các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững; có các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tình trạng đầu cơ, ngăn chặn tình trạng "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, kiếm lợi;
Tiếp tục hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhất là hỗ trợ về tín dụng và quỹ đất; giảm thiểu sự mất cân đối giữa các phân khúc bất động sản; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về bất động sản; rà soát việc hình thành các chung cư, khu dân cư tự phát, xử lý các khu dân cư, khu đô thị bỏ hoang, đã thu hồi đất nhưng không triển khai.
Thực hiện các biện pháp phù hợp để xử lý các chung cư cũ, xuống cấp bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà đầu tư; phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc kiểm soát, hạn chế việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Rà soát, đánh giá để có giải pháp phù hợp đối với hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quản lý nhà chung cư, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, việc quản lý phí bảo trì nhà chung cư, xử lý dứt điểm những bất cập dẫn đến những tranh chấp liên quan đến nhà chung cư.
Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel).
Nghiên cứu làm rõ và sớm có hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng để ở (condotel, officetel, shophouse, resort...); phối hợp các bộ ngành liên quan để rà soát quy hoạch xây dựng các công trình tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái.
Đẩy nhanh công tác phối hợp thực hiện lộ trình, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, cơ sở sản xuất, công nghiệp ra ngoài trung tâm Thủ đô Hà Nội theo Đồ án được phê duyệt; bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương quản lý, ưu tiên sử dụng quỹ đất này để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị, hạn chế tối đa việc xây dựng các chung cư mới, các tòa nhà cao tầng tại các địa điểm di dời, không đúng với quy hoạch, Đề án; rà soát lại việc bàn giao lại công sở cho địa phương sau khi đã di dời.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm: "Xây dựng là lĩnh vực có tính chất chuyên môn, đặc thù, liên quan đến nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương. Qua phiên chất vấn, Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả của Bộ Xây dựng nhưng cũng mong muốn Bộ sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, chịu trách nhiệm chính trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương cố gắng, nỗ lực hơn nữa để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao".