Chủ tịch Agribank: Việc phát triển dự án nhà ở cần gắn với quy hoạch giao thông công cộng
Góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn cho rằng, dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn về công tác quy hoạch xây dựng các dự án nhà ở tại đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (viết tắt theo tiếng Anh là TOD), như dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đã đề cập về vấn đề này vì lợi ích công cộng.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, trong dự thảo luật này cũng như Luật Đất đai cần xác định rõ về thu hồi đất để phục vụ mục đích công cộng.
Theo đó, quy định cần xác định rõ trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trong việc quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, các phân khu chức năng và đặc biệt yêu cầu rõ về sức chứa dân cư ở trong từng khu dự án đó. Như vậy, phải thể hiện được các khu đô thị gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở xã hội thiết yếu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank (đoàn đại biểu Hà Nội). |
"Đây được xem là các dự án vì mục đích công cộng thì cần có những quy định yêu cầu trực tiếp trách nhiệm giải phóng mặt bằng thuộc về các tỉnh và thành phố", ông Ấn nói.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, nếu như các dự án sau khi giải phóng mặt bằng mới triển khai việc đấu thầu thì xem tiền thu được sau đấu thầu, sau khi trừ các chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và các chi phí liên quan đến triển khai trước khi đấu thầu có thể dùng một tỷ lệ nhất định để hỗ trợ trở lại cho người bị thu hồi đất, phần còn lại thì nộp vào ngân sách.
Theo ông Ấn, làm như vậy sẽ hài hòa lợi ích của người bị thu hồi đất, Nhà nước và của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản do các bên liên quan đều được hưởng lợi về chủ trương này, đặc biệt đối với người có đất bị thu hồi do đảm bảo được lợi ích của họ nên vấn đề giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi và nhanh hơn nhiều.
Đồng thời, việc thực hiện theo định hướng TOD này sẽ giảm thiểu sự manh mún trong phát triển nhà ở tại đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM.
Cùng với đó, việc này cũng sẽ giảm thiểu được tình trạng doanh nghiệp bất động sản phải đi đường vòng, vay tiền ngân hàng để mua nhà để thực hiện chuyển nhượng quyền từng thửa đất một, sau đó mới gom lại.
Ông Ấn phân tích, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng thì không có cơ sở để doanh nghiệp bất động sản gom từng mảnh đất lại sau mới làm dự án, vì vậy có thể thông qua các cá nhân trong công ty hoặc thành lập một chuỗi các công ty tránh mục đích sử dụng vốn để mua, bán hàng hóa nhưng trên thực tế là để phục vụ cho việc mua bất động sản, gom lại sau đó xây dựng dự án.
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, nhiều khi việc này xảy ra một tình trạng là có những mảnh đất họ không thể nào mua được hết, bởi vì có nhiều chủ sở hữu không bán, dẫn đến dự án đó bị ách tắc và thực sự đằng sau đó lại trở thành nợ xấu của các ngân hàng.
"Tôi nghĩ rằng để tránh được đường vòng như thế này thì rõ ràng vai trò, trách nhiệm trong vấn đề giao các tỉnh, thành phố triển khai giải tỏa các mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư này là rất cần thiết", ông Ấn chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Phạm Đức Ấn, để các dự án phát triển được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thuận tiện trong giao thông thì rõ ràng với nguồn cung dồi dào, giá nhà ở ổn định sẽ tránh được đầu cơ đẩy giá nhà lên cao và gây rất nhiều tiêu cực, hệ lụy cho xã hội trong điều kiện hiện nay.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí và phải giao quyền phát hành trái phiếu để phục vụ phát triển nhà ở và đặc biệt là thành lập quỹ phát triển nhà ở, trong giai đoạn đầu thì nợ ngân sách địa phương có thể tăng lên do đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng sau này khi có các dự án gối đầu thì những nội dung này sẽ phát huy tác dụng và việc triển khai sẽ tốt hơn.