Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm việc chậm trình nội dung tăng vốn Agribank

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
“Ông lớn” Agribank tuyên bố giảm lãi suất cho vay bất động sản Agribank cho EVN vay 2.400 tỷ đồng làm dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng

Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank.

Triển khai của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước trong quý I/2022.

Theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông” và triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm việc chậm trình nội dung tăng vốn Agribank
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.

Do đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh; tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm; góp phần tăng trưởng tín dụng của Agribank và tăng nộp ngân sách Nhà nước.

Để Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường trong hoạt động tín dụng lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô. Đồng thời, để đáp ứng các tỷ lệ an toàn quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, Agribank cần phải bổ mức vốn tự có là 46.798 tỷ đồng.

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng.

Trong đó, Chính phủ đề xuất nguồn bổ sung vốn điều lệ của Agribank từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15, phần còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm việc chậm trình nội dung tăng vốn Agribank
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 171/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ.

Theo ông Thanh, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần giúp ngân hàng này bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước; củng cố mức tín nhiệm do các tổ chức tín nhiệm quốc tế xếp hạng; được tăng thêm vốn điều lệ thì Agribank mới có khả năng mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ thực hiện các chính sách theo chương trình mục tiêu quốc gia về “Xây dựng nông thôn mới” và “giảm nghèo bền vững”.

Về hồ sơ đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hồ sơ kèm theo tờ trình số 171 chưa có dự thảo nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về nội dung này, do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung hồ sơ theo quy định.

Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, cập nhật số liệu, nâng cao chất lượng tờ trình và chuẩn hóa thể thức các tài liệu kèm theo.

Về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank theo tờ trình số 171 là phù hợp với chủ trương của Quốc hội. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước, Luật 69/2014/QH13 và Luật Đầu tư công. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ rà soát kỹ quy định của các luật này, bảo đảm đúng quy định trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng nhằm giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định và cho rằng theo quy định tại Điều 5 của Luật Đầu tư công, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank không thuộc đối tượng đầu tư công nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư công để bố trí tăng vốn .

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách Nhà nước, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng; xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của ngân sách Nhà nước (10.347 tỷ đồng); bố trí phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến; khả năng phát hành thành công trái phiếu; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (17.100 tỷ đồng), cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã có từ khóa 14. Riêng trong giai đoạn 2021 - 2023, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có quy định, sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để thực hiện Nghị quyết số 43 trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước trong quý I/2022. Nhưng đến nay đã sang quý II/2023 mới trình.

"Việc chậm trễ này là trách nhiệm của ai, vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm công vụ?", Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số nội dung còn chưa rõ theo đó đây là trình để Quốc hội quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank hay là chủ trương đầu tư vốn điều lệ.

Ông Huệ nêu rõ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư; còn quyết định đầu tư là của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để có báo cáo làm rõ và thể hiện rõ trong dự thảo nghị quyết.

Mặt khác, tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí từ ngân sách Nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc trình Quốc hội quyết định một số tiền mà chưa có trong dự toán liệu có đúng thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan làm rõ theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạch toán, kế toán…

Ông Huệ cũng nói thêm, trình ban hành nghị quyết nhưng hồ sơ trình lại không có dự thảo nghị quyết, gây khó khăn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý thảo luận về quy trình nếu như Quốc hội chấp thuận bổ sung vào chương trình thì việc trình, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và quy trình ban hành nghị quyết như thế nào, ban hành nghị quyết riêng hay là xin phép Quốc hội cho đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp, có cần có văn bản có ý kiến của Kiểm toán Nhà nước hay không?...

Ông Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng theo tinh thần nếu thấy đủ điều kiện, cấp bách mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ chín, đủ rõ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao thì đưa vào chương trình để quyết; nếu chưa đạt được yêu cầu thì chưa quyết.

Cũng tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ sở pháp lý của việc tăng vốn cho Agribank là tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ: “chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với Agribank.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 11/NQ-CP Chính phủ đã chỉ đạo: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Về đề xuất, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 trong đó đã bổ sung 6.753 tỷ đồng, phần còn lại (10.347 tỷ đồng) nếu Quốc hội cho phép sẽ được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đang rất khát vốn, đang ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Do đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề nghị tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2023 nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai công việc này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh kỹ càng, thuyết phục hơn, đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, cân đối nguồn thu, tháo gỡ các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Agribank.

Cùng đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu để đưa nội dung này vào kỳ họp, đưa nội dung vào nghị quyết kỳ họp, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra để trình Quốc hội nội dung này tại Kỳ họp tới.

Hậu Lộc
Phiên bản di động