Chọn nhà thầu cao tốc Bắc - Nam: Tránh 'sân trước - sân sau'
Doanh nghiệp muốn hạ tiêu chí xét thầu dự án cao tốc Bắc - Nam Người dân, chuyên gia ủng hộ hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam Hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông |
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 9019/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc báo chí phản ánh lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo đó, thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí có các bài viết phản ánh cho rằng doanh nghiệp Việt xây cao tốc Bắc - Nam thì vốn ở đâu và làm sao tránh nạn "sân trước - sân sau" và không để doanh nghiệp trong nước vì tư lợi "ôm" doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu làm cao tốc Bắc - Nam.
Ảnh minh họa. |
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải nguyên cứu và xử lý.
Trước đó, chiều 24/9, Bộ Giao thông vận tải phát đi thông tin cho biết, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với những địa phương có dự án đi qua.
Chính vì vậy quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông vận tải quán triệt tinh thần phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật, hiệu quả, khách quan, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật đấu thầu (Điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Tính đến cuối tháng 7/2019, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, bên mời thầu (các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông vận tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Về việc này, chuyên gia lĩnh vực hạ tầng giao thông Trịnh Hoàng Vĩnh cho rằng, quyết định của Bộ Giao thông vận tải về việc hủy đấu thầu quốc tế dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là đúng như ý nguyện của người dân và dư luận.
Theo ông Vĩnh, trước đó, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải đã thông tin cho biết trong số 60 bộ hồ sơ sơ tuyển đợt mời thầu quốc tế thực hiện dự án thì nhà thầu Trung Quốc áp đảo với 30 bộ hồ sơ, còn lại 15 bộ hồ sơ quốc tế của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines; các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 15 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển; trong khi đó lại vắng bóng nhà đầu tư Nhật Bản và một số nước Châu Âu.
"Việc đấu thầu quốc tế khiến dư luận sợ nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trúng thầu, mà bài học các dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn đó. Trong khi đó, để tìm ra nhà đầu tư trong nước đủ năng lực thực hiện dự án này cũng không phải là chuyện đơn giản bởi làm sao tránh được lợi ích nhóm, sân trước sân sau", ông Vĩnh nhận xét.