Chợ Nành vẫn hoạt động bất chấp “lệnh” tạm đình chỉ vì vi phạm PCCC
Quận Hoàng Mai có 44/93 cơ sở không đảm bảo PCCC tại Hà Nội Chuyển hồ sơ 7 công trình vi phạm PCCC sang Viện kiểm sát Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác PCCC |
Quyết định tạm đình chỉ “còn nóng hổi”
Chợ Nành – khu vực chợ vải lớn nhất miền Bắc được xây dựng từ năm 2002 với 4 khu A, B, C, D. Sau hàng chục năm đi vào hoạt động, khu vực chợ với diện tích hàng nghìn m2 có nhiều hạng mục xuống cấp, đặc biệt là không đảm bảo về an toàn PCCC.
Minh chứng cho điều này, đầu tháng 11/2022, Công an huyện Gia Lâm đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động của chợ Nành vì vi phạm công tác PCCC.
Chợ Nành (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
Cụ thể, tại quyết định số 185/QĐTĐC-CAGL-PCCC ngày 2/11/2022 của Trưởng Công an huyện Gia Lâm về việc tạm đình chỉ hoạt động nêu rõ:
Tạm đình chỉ hoạt động đối với chợ Nành – Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp (địa chỉ thôn 5, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) do ông Thạch Văn Sơn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ 8h00, ngày 2/11/2022 đến 8h00 ngày 1/12/2022. Quyết định này có hiệu lực trong thời gian trên. Ông Sơn là đại diện cho tổ chức vi phạm có tên tại Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm thi hành quyết định này và thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Ông Sơn cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 185 được Công an huyện Gia Lâm gửi báo cáo cấp trên, UBND xã Ninh Hiệp phối hợp, các đồng chí Phó trưởng Công an huyện chỉ đạo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an xã Ninh Hiệp có trách nhiệm thực hiện quyết định này.
Điều đáng nói, quyết định nêu rất rõ ràng lý do “tạm đình chỉ hoạt động” chợ Nành để “thực hiện các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC”. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày sau khi quyết định 185 có hiệu lực, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại chợ Nành là khung cảnh chợ hoạt động tấp nập như chưa bị đình chỉ hoạt động.
Tiểu thương trong chợ vẫn hoạt động bình thường trong thời gian chợ tạm đình chỉ (ảnh chụp ngày 6/11) |
Phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp ghi nhận tại khu vực chợ Nành vào các ngày 4/11, 5/11, 7/11 và 10/11. Bất ngờ hơn cả là các quầy hàng vẫn hoạt động bình thường. Nguy hiểm hơn cả là phần trên mái chợ bằng khung sắt, lợp tôn kín, phía dưới là những quầy hàng chủ yếu là vải vóc, quần áo – chất dễ cháy lan - lấp kín các gian hàng, tràn ra lối đi; khu vực để bình chữa cháy cầm tay đã hoen rỉ.
Một góc chợ Nành ngày 6/11/2022 |
Trong vai khách mua hàng, phóng viên được một tiểu thương cho biết: Tiểu thương trong chợ được thông báo về quyết định tạm đình chỉ từ 8h00 ngày 2/11 đến 8h00 ngày 1/12/2022 nhưng đến 4/11 thì chợ được mở lại và hoạt động bình thường.
Tình cảnh những chiếc bình cứu hoả đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các tiểu thương chợ Nành (ảnh chụp 6/11) |
Lật lại lịch sử, cũng chỉ 3 năm trước (năm 2019), chợ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 100 triệu vì những vi phạm không bảo đảm an toàn về PCCC như: Giao thông phục vụ chữa cháy không đảm bảo; khoảng cách từ chợ đến nhà dân không an toàn; lối thoát nạn bị lấn chiếm…
Nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng do cháy nổ từ những cơ sở tạm đình chỉ hoạt động
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội rất lo lắng vì có quá nhiều vụ cháy xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Điều này cũng khiến lực lượng chức năng phải trăn trở. Đáng ngại là, không ít vụ cháy khi tìm hiểu nguyên nhân đều xuất phát từ những cơ sở đã bị đình chỉ hoạt động hoặc tạm đình chỉ hoạt động để khắc phục công tác PCCC.
Có thể kể đến các vụ cháy trên địa bàn TP Hà Nội vụ cháy tại cơ sở karaoke ở 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy ngày 1/8/2022 khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tiếp đó, ngày 10/9/2022 cháy xưởng chăn, ga, gối, đệm tại thôn Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, khiến thiệt hại 300m2 nhà xưởng, ba mẹ con bị thương…
Cháy kho xưởng sản xuất đệm thiệt hại khoảng 300m2 ở Thanh Oai khiến ba mẹ con bị thương |
Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, tại huyện Gia Lâm cũng đã xảy ra một vụ cháy kho nhà xưởng thuộc Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC - miền Bắc có địa chỉ tại ngõ 145, đường Đình Xuyên, thôn Tế Xuyên (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm.
Tháng 12/2021 tại chợ vải Ninh Hiệp cũng đã xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại nhiều tài sản, hàng hoá, kho bãi của các tiểu thương đang kinh doanh tại đây.
Gần đây nhất, khoảng 7h ngày 20/10, xảy ra cháy lớn tại khu vực kho xưởng ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Dãy kho xưởng rộng khoảng 800m2 bị thiêu rụi hoàn toàn. Vụ cháy khiến 1 người bảo vệ thiệt mạng. Toàn bộ khu vực dãy kho xưởng rộng cả chục nghìn mét vuông này, đều đã bị đình chỉ về PCCC từ năm 2020.
Có thể thấy, hiểm hoạ từ việc không đảm bảo an toàn về PCCC khi xảy ra cháy nổ là rất cao, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân và các chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC.
Cảnh buôn bán tại chợ Nành ghi nhận được ngày 10/11/2022 |
Trước thực trạng trên, ngày 17/10/2022, đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội đã ký và ban hành văn bản số 3447/UBND-NC về việc tổng rà soát, kiểm tra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn TP.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn; Qua đó, công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ sở chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC và CNCH, dẫn đến còn nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình hoạt động của cơ sở nên đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 05/10/2022 của Văn phòng chính phủ, Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022 của Bộ Công an về tổng rà soát, kiểm tra về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở trên phạm vi toàn quốc; UBND TP yêu cầu các đơn vị gồm: Công an TP Hà Nội, Sở Văn hoá và thể thao, Sở Công thương, Sở Quy hoạch - Kiến trức, Sở Xây dựng, Tổng Công ty điện lực, các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã trên tinh thần, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể:
Giao Công an TP tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an (từ ngày 15/10/2022 đến 15/12/2022); trong đó tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như: Khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, TTTM, nhà kho, xưởng sản xuất… trên địa bàn.
Thực tế, lực lượng chức năng toàn địa bàn Hà Nội đã tổng rà soát và ra nhiều văn bản tạm đình chỉ những cơ sở không đảm bảo quy định PCCC, trong đó chợ Nành là một ví dụ. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, khu chợ hàng nghìn m2 vẫn ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày, bất chấp nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra?.