Chính thức khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024
Năm 2023, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút 2 triệu khách tham quan Hội chữ Xuân 2024 có gì mới? |
Tham dự lễ khai mạc có bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám; TS Lê Trung Kiên – Đốc giáo Nhân Mỹ học đường.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 |
Hội chữ Xuân năm nay mang chủ đề “Hiếu học” nhằm tôn vinh đạo học và đề cao tinh thần học tập không ngừng của người Việt Nam. Đồng thời, lan tỏa giới vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp đến cộng đồng trong dịp Xuân sang.
Lễ Khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra tại hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) |
Các vị đại biểu tham dự lễ khai mạc |
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp Hà Nội chia sẻ: “Hội chữ Xuân năm nay được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ Nhân dân đón Tết, du Xuân vui tươi, lành mạnh. Đồng thời cũng là dịp đặc biệt để các thầy đồ, nghệ nhân thư pháp có cơ hội trình diễn khả năng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật thư pháp đến với đông đảo người dân và du khách thập phương. Nhân dân đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám xin chữ đều có thể nhận được trọn vẹn những giá trị tinh thần đáng quý, cùng gia đình đón xuân sang bên những bức thư pháp đúng, đẹp, chuẩn với nhiều lời chúc an lành”.
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tp Hà Nội |
Với hoạt động phổ biến là cho chữ, xin chữ tại Hồ Văn, Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 quy tụ 40 gian lều thư pháp của 40 ông đồ được bố trí quanh hồ. Du khách đến với Hội chữ sẽ có cơ hội trải nghiệm không gian, nhìn ngắm và lựa chọn ông đồ với phong cách, nét chữ ưng ý để xin những bức thư pháp đầy nghệ thuật cho mùa Tết.
Ông Lưu Thanh Hải – nghệ nhân thư pháp đến từ Hội Thư pháp TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự xúc động và vui mừng khi có cơ hội tham dự Hội chữ Xuân Giáp Thìn năm nay. Ông cho biết: “Thư pháp hàm chứa nhiều ý nghĩa, thông điệp ẩn ý đầy sâu xa. Người viết thư pháp phải hiểu rõ chữ mình đang viết, để còn dụng tay đưa bút, nhấn nhá nét bút sao cho đậm nhạt đúng với ý nghĩa của chữ. Bởi thế, tôi cho rằng, Hội chữ Xuân là hoạt động văn hóa mang giá trị tinh thần rất lớn. Không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa tư tưởng tốt đẹp về đạo học, khuyến học mà còn là nơi để Nhân dân có cái nhìn cận cảnh hơn về nghệ thuật thư pháp và học tập những truyền thống tốt đẹp mà thế hệ cha ông đã để lại”.
Song song với Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024, Triển lãm thư pháp “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn. Không gian triển lãm được trưng bày với 9 cột trụ nổi bật, là biểu tượng cho con đường học vấn. Ngoài ra, những trụ cột này còn đại diện cho tiềm lực của nhân tài nước Việt, vững chãi, bền bỉ để xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp.
Ông Lưu Thanh Hải – Nghệ nhân thư pháp đến từ Hội Thư pháp Tp Hồ Chí Minh |
Đáng chú ý, tại đây, việc ưng dụng nghệ thuật sắp đặt bằng ánh sáng và phối hợp cùng các bức thư pháp đa dạng, triển lãm gợi cảm giác trầm mặc, nghiêm trang với hàng trăm, hàng nghìn con chữ bao phủ không gian đầy ấn tượng. Những văn bản, chữ viết trên các trụ cột là ghi chép lịch sử, các nội dung kinh điển của Nho giáo, hệ thống khoa cử trong quá khứ.
Ngoài hoạt động triển lãm và xin chữ ông đồ, Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 còn tổ chức nhiều hoạt động phục vụ du khách chơi Xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (không gian sĩ tử đi thi, làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố…); không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày Xuân; tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc: quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Một góc triển lãm thư pháp "Hiếu học" |
Các vị đại biểu tham quan triển lãm |
Thư pháp gia Nam Long - Nguyễn Quang Duy trình diễn viết thư pháp |
Tác phẩm thư pháp "Hiếu Học" |
Ông đồ Nguyễn Đức Lợi (bút danh Lam Thành) – Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng – đã không ngơi tay mài mực, viết chữ để phục vụ người dân đến xin chữ trong lễ khai mạc. Viết xong một chữ, ông đồ Lợi trao cho người xin, giải thích tường tận về ý nghĩa của bức thư pháp và gửi lời chúc tốt đẹp đến với gia đình những vị khách.
Ông đồ Nguyễn Đức Lợi trao chữ "Phúc" cho người dân đến xin chữ |
Ông chia sẻ: “Tôi rất vui, rất hãnh diện và tự hào khi có cơ hội được lan tỏa vẻ đẹp của chữ đến với cộng đồng và nhận lại được sự trân quý, yêu mến của người dân. Điều đó cho thấy ngày càng có nhiều người đang tìm lại và trân trọng những giá trị tốt đẹp của truyền thống người Việt ta. Đây là một văn hóa lâu đời, đặc biệt là với người Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mỗi con chữ mang theo ước nguyện và hi vọng, như một lời nhắc nhở, tạo động lực cho chúng ta không ngừng phấn đấu, để đạt được ước nguyện trong năm mới”.
Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 mở cửa miễn phí từ 8 giờ sáng đến 22 giờ tối hàng ngày, từ ngày 3/2 đến ngày 19/2 (tức ngày 24 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng) để phục vụ người dân và du khách thập phương chơi Tết Xuân Giáp Thìn 2024.