Chính sách phải thật đặc biệt để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Hóa giải bài toán khó về quy hoạch, hạ tầng giao thông cho Thủ đô Thủ đô cần có luật để thu hút, trọng dụng nhân tài |
Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển thành phố Hà Nội, tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi Thủ đô phải có những bước đi, hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước...
Theo đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng thể chế hoá được các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực và nguồn lực để thành phố phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ và sứ mệnh của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm, các cơ chế, chính sách phải thật đặc biệt. |
Cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cơ bản như trong tờ trình của Chính phủ để xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, phát triển Thủ đô Hà Nội là động lực để phát triển chung của cả nước, vì vậy có cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để bứt phá, đột phá tạo lan tỏa phát triển của cả vùng Thủ đô.
Theo ông Cừ, các nhóm chính sách được đề cập trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tương đối bao quát, toàn diện, nhưng so với luật hiện hành vẫn còn một số nội dung chưa có tính đột phá, tạo sự bứt phá cao hơn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội. |
Ông Trương Xuân Cừ cho biết, hiện nay có nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho các tỉnh, thành phố nhưng chính sách đặc thù cho Hà Nội cần được quan tâm đặc biệt hơn. Trong đó, cần chú trọng đến chính sách phát triển đầu tư, chính sách phát triển chung cần được ưu tiên đặc biệt, tập trung nguồn lực phù hợp.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhấn mạnh, để phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm, các cơ chế, chính sách phải thật đặc biệt, trong đó có mô hình chính quyền đô thị.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, TP HCMvà thủ đô Hà Nội, rất cần các quy định mang tính chuyên biệt, đặc thù để khẳng định vai trò, vị thế của Thủ đô.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, việc trao quyền cho các cơ quan rất quan trọng, đặc biệt nên bỏ mô hình HĐND cấp quận, cấp phường và tập trung xây dựng HĐND thành phố.
Theo ông Nguyễn Công Long, nếu bỏ mô hình HĐND cấp quận, phường, khi đó biên chế của HĐND thành phố tăng lên là cần thiết để giữ vai trò là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và quyết định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô.
Do đó, theo ông Nguyễn Công Long, số lượng đại biểu HĐND thành phố có thể tăng lên 150, tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách khoảng 40% để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.