Chính quyền có "bất lực" với tình trạng san lấp ao bằng chất thải của trạm trộn bê tông?
Hải Dương: San lấp ao bằng chất thải từ trạm trộn bê tông |
Đã quá 4 tháng kể từ khi UBND xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, Hải Dương) ra quyết định xử phạt và buộc bà Nguyễn Thị Đang phải khôi phục lại 460m2 diện tích ao theo tình trạng ban đầu. Tuy nhiên đến nay, ao lại càng bị lấp thêm bởi vật liệu thải.
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 13/7/2020, UBND xã Hồng Lạc kiểm tra và lập biên bản đối với bà Nguyễn Thị Đang (trú tại thôn Đoài, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với lý do đã tự ý san lấp ao khoảng 460m2 bằng đất thừa trong bãi chứa vật liệu xây dựng ở bãi trộn bê tông Hồng Lạc. Hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật, làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất diện tích 460m2, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đến trước ngày 31/7.
Thế nhưng, biên bản do UBND xã Hồng Lạc lập với mục đích yêu cầu bà Đang hoàn trả tình trạng ban đầu dường như không có tác dụng. Việc đó được thể hiện khi ao không những không được hoàn trả tình trạng ban đầu mà ngày càng nhiều vật liệu thải nghi là chất thải của trạm trộn bê tông và phế thải vật liệu xây dựng được đổ tại đây.
Các vật liệu thải vẫn tiếp tục được tập kết tại đây. |
Theo một người dân sinh sống tại đây cho biết: "Tình trạng này diễn ra từ lâu và không thấy bên nào đến thu dọn cũng như hoàn trả mặt bằng".
Khi phóng viên liên lạc với ông Vũ Xuân Hào - Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, ông Hào cho biết: "Xã yêu cầu bà Đang hoàn trả lại tình trạng ban đầu và bà Đang đã thực hiện việc đó rồi".
Khác với những gì ông Hào nói, ghi nhận thực tế vào ngày 17/12/2020, nơi ao được phản ánh tiếp tục bị lấp bởi vật liệu nghi là chất thải của trạm trộn bê tông và chất thải xây dựng.
Tình trạng tự ý san lấp, đổ đất làm biến dạng địa hình để tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép đã rõ ràng, nhưng thay vì quyết liệt kiểm tra, xử lý dứt điểm thì chính quyền xã Hồng Lạc lại "trông chờ" vào "lời hứa" của người dân. Liệu đây có phải là sự "bất lực" của chính quyền xã trước dân?
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý theo quy định; chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 2 triệu - 5 triệu đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường dưới 1.000 kg. Trường hợp chuyển giao, cho, bán, tiếp nhận, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 1.000 kg đến dưới 2.000 kg: phạt tiền 5 triệu - 10 triệu đồng. Từ 2.000 kg đến dưới 3.000 kg: phạt tiền từ 10 triệu - 15 triệu đồng. Từ 100.000 kg trở lên: phạt tiền từ 200 triệu - 250 triệu đồng... |
Qua tìm hiểu, trạm bê tông Hồng Lạc thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Hòa đang hoạt động trên phần đất được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép cho Công ty Thương mại Vận tải Thành Đạt hoạt động bến cảng bốc xếp vật liệu xây dựng, đường điện tạm thời ở bãi ngoài đê tả sông Thái Bình thuộc địa phận phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương. |