Chính phủ yêu cầu có phương án giảm áp lực tăng giá xăng dầu
Đây là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết số 77/NQ-CP 2022 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 vừa mới ban hành.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, không để ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng được giao thực hiện tích cực, quyết liệt theo thẩm quyền các giải pháp, biện pháp đồng bộ, điều hành để bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và quy định của pháp luật về giá, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, cước phí vận tải, chi phí logistics...
Ảnh minh họa |
Đối với Bộ Công thương, Chính phủ giao bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy.
Bộ Công thương được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ, trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Công thương chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2022.
Trong một diễn biến liên quan, từ 15h chiều 13/6, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng E5RON92 tăng 880 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel tăng cao hơn, ở mức 2.630 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 tối đa là 31.110 đồng/lít; RON95-III là 32.370 đồng/lít; Còn giá dầu diesel lên mức 29.020 đồng/lít, dầu hỏa là 27.830 đồng/lít. Như vậy, mặt hàng xăng đã có 6 phiên liên tiếp tăng giá, xô đổ kỷ lục mức giá đã lập trước đó, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có 3 biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và cần tiếp tục được tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng dầu.
Trong đó có việc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG) một cách hiệu quả; Điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, ví dụ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu...