Chính phủ giao loạt bộ, ngành vào cuộc kiểm soát thị trường vàng
Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thị trường vàng Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ thị trường vàng |
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, Chỉ thị chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả về các giải pháp quản lý thị trường vàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát thị trường vàng, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định pháp luật và khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Với các giải pháp đồng bộ, cho tới đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, có thời điểm chỉ còn khoảng 1-2%. Tuy nhiên, cùng với những bất cập nội tại chưa được khắc phục triệt để, những diễn biến bất thường, chưa từng có tiền lệ của tình hình địa chính trị thế giới từ đầu năm 2025 đến nay đã đẩy giá vàng quốc tế liên tục tăng cao, giá vàng trong nước biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng; theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, khẩn trương theo thẩm quyền thực hiện các giải pháp theo quy định khi cần thiết nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng theo Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2; chủ động xử lý và báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bổ sung, củng cố các quy định nhằm tăng cường hiệu quả của các công cụ quản lý nhà nước, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 6/2025.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông; kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng; ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, đầu cơ trục lợi, kinh doanh trái phép, thao túng thị trường…
Các Bộ: Công an, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tư pháp, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng; kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết Quốc hội về chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có vấn đề về giá vàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp, giúp thu hẹp đáng kể chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới.
Đồng thời đã phối hợp các bộ, ngành thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này. Kết luận thanh tra đang được hoàn thiện.
Tính đến cuối năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, từ mức chênh lệch khoảng 25% tại thời điểm cao nhất xuống còn khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5-7%).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó.
Ở trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Tới đầu tháng 4, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở biên độ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5 - 7%).
Tính đến ngày 23/4, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức khoảng 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 13,62%).
Theo Thống đốc, nguyên nhân giá vàng miếng SJC trong nước tăng với tốc độ nhanh hơn giá vàng thế giới và chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới tăng cao là do tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Cùng đó là lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED; diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Mặt khác, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay.
Ngoài các nguyên nhân trên, bà Hồng cũng cho rằng, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
Thống đốc nhận định, mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đánh giá, thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.