Chính phủ đã giải quyết vấn đề khiến doanh nghiệp "kêu khóc" nhiều năm

Các nỗ lực từ việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, thể chế, ban hành, chỉnh sửa các luật liên quan đến thị trường bất động sản cho thấy sự tích cực của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề khiến các doanh nghiệp “kêu khóc” rất nhiều năm.
Các doanh nghiệp bất động sản nên giảm đòn bẩy tài chính Không được vun đắp kịp thời, sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt

Chia sẻ tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”: Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho hay, thị trường bất động sản và xây dựng được giảm tải nhiều áp lực khi các luật được thông qua.

Theo ông Hải, ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản có quan hệ như môi với răng, do đó “môi hở thì răng lạnh”. Khi bất động sản gặp khó khăn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

“Chúng tôi phụ thuộc rất lớn vào việc thanh toán của chủ đầu tư. Việc chậm thanh toán khiến các nhà thầu chậm thanh toán lại cho nhà thầu phụ và các nhà cung cấp đã ảnh hưởng đến giải quyết vấn đề công ăn, việc làm cho lực lượng lao động, tính ra có thể lên đến hàng trăm, hàng ngàn người, rất phức tạp”, ông Hải cho biết.

Chính phủ đã giải quyết vấn đề khiến doanh nghiệp
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

Ông Hải cho rằng, đến nay, các doanh nghiệp đã giảm bớt nỗi lo, đối với không chỉ riêng ngành xây dựng, mà còn cả doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh vật liệu xây dựng, cho thuê máy móc thiết bị cũng như cả hệ sinh thái liên quan đến ngành bất động sản, cả các nhà thiết kế và quản lý dự án.

Theo ông Hải, vừa qua, các nỗ lực từ việc ban hành, chỉnh sửa các luật liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho thấy sự tích cực của Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề mà các doanh nghiệp đã “kêu khóc” rất nhiều năm.

Cùng với đó, sự ra đời Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn nợ và không chuyển nhóm nợ đã giúp cho các doanh nghiệp xây dựng cũng như vật liệu xây dựng vượt qua được giai đoạn hết sức khó khăn.

“Nếu bị chuyển nhóm nợ thì các doanh nghiệp này không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh được”, ông Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là cần thiết và phải tiến hành khẩn trương, không nên để hết hạn mới gia hạn vì cần cơ cấu những khoản nợ đến hạn trước khi thông tư chấm dứt.

"Việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là hết sức quan trọng để giúp cho hệ sinh thái xây dựng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường", ông Hải chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động