Chính phủ cần tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản
Sáng 25/5, tại phiên thảo luận tại tổ 13, các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2023 bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung cơ bản tại báo cáo của Chính phủ, nhưng để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra.
Trong đó, Chính phủ cần đặc biệt chú trọng tới giải pháp nhằm tháo gỡ việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 13. |
Phát biểu thảo luận, lo ngại trước những khó khăn thách thức từ nay đến cuối năm 2023, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) kiến nghị Chính phủ có giải pháp rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm vấn đề cụ thể.
Theo đại biểu, Chính phủ cần tập trung công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng cần tính toán đến áp lực lạm phát đang gia tăng, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuât, kinh doanh; đảm bảo việc làm cho người lao động…
Cũng nhất trí với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, tình hình thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nêu rõ một số hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch chưa phát huy hiệu quả… đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Trong đó, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế…
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cũng bày tỏ tán thành với nhiều nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, do quá chú trọng kiểm soát lạm phát khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện chậm đã dẫn tới nhiều bất cập trong phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, đại biểu đề nghị cần có dự báo, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn,...
Góp ý tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn đề xuất Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp; giao kế hoạch vốn tín dụng đầu ra cho ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,…
Cũng tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận…