Chiến lược mới của Bộ Y tế đối phó với biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm

Quá tải khu cách ly tập trung, chậm tiến độ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, lây nhiễm chéo với tốc độ cấp số nhân là những gì đang diễn ra tại hai tâm dịch này.
Chủng SARS-CoV-2 ở Ấn Độ nguy hiểm ra sao? Cuộc chiến cân não với biến chủng SARS-CoV-2 giữa tâm dịch Hải Dương Chuyên gia nói về khả năng biến chủng SARS-CoV-2 có thể vô hiệu hóa vaccine
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang)
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang)

Cách ly F1 tại nhà: Làm sao bảo đảm an toàn cho cộng đồng?

Ngày 25/5/2021 được coi là một ngày lịch sử tại Bắc Giang khi phát hiện tới 375 ca nhiễm mới. Nguồn lây chủ yếu tại các khu vực nhà máy trong khu công nghiệp hoặc trong nơi sinh sống của công nhân vì đây là nơi có mật độ làm việc, lưu trú đông, trong khi đó chủng virus này lây lan nhanh, mạnh và phát tán rộng trong môi trường không khí.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của Bộ đang chỉ đạo phòng, chống dịch tại Bắc Giang “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân. Đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống. Áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

“Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp thiết chế cách ly tập trung cho một số khu vực, để kiểm soát trong khu nhà trọ của công nhân, bảo đảm sản xuất, không đứt chuỗi cách ly. Sau khi cách ly mới áp dụng test nhanh để tiến hành xét nghiệm cho công nhân, sàng lọc nhanh đối tượng F1 với quan điểm thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Hiện các khu công nghiệp tại Bắc Giang có 71 nghìn người trong vùng giãn cách xã hội, 13 nghìn người trong khu cách ly tập trung. Còn Bắc Ninh rà soát gần 37 nghìn trường hợp F1 và F2, trong đó, cách ly y tế 31 nghìn trường hợp. Số người là F1 phải cách ly tập trung lên tới hàng chục nghìn người, quá tải cho các cơ sở cách ly tập trung tại hai địa phương này.

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Việt Nam quy định bắt buộc cách ly tập trung với người tiếp xúc gần (tức là F1) tại các cơ sở do quân đội, công an quản lý. Biện pháp này đã giúp chúng ta đứng vững trước ba làn sóng dịch bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình mới, số ca F1 ngày càng gia tăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu thí điểm cách ly F1 tại nhà để giảm tải cho cơ sở cách ly tập trung.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, cần đảm bảo tối thiểu bốn điều kiện cơ bản.

Một là, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang gấp rút rà soát kỹ tất cả F1 để phân loại thành "F1 nguy cơ cao" bắt buộc cách ly tập trung; những trường hợp còn lại có thể được xem xét cách ly tại nhà.

Thứ hai, F1 và gia đình phải ký cam kết với chính quyền tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý rời khỏi nơi cư trú. F1 cách ly tại nhà phải có phòng riêng để sinh hoạt. Các thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Thứ ba, chính quyền cơ sở hướng dẫn F1 theo dõi và khai báo y tế hằng ngày; hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải của người cách ly tại nhà.

Thứ tư, tất cả F1 được cách ly tại nhà phải được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm xử lý nghiêm. "Chính quyền sẽ giám sát bằng camera, nhưng quan trọng hơn là các tổ chống Covid-19 cộng đồng phải vào cuộc quyết liệt, giám sát thường xuyên", Thứ trưởng Tuyên nói.

PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, trong điều kiện dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng như tại Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay thì phương án cho các đối tượng F1 cách ly tại nhà là hợp lý nhất, vừa tránh lây nhiễm chéo vừa tiết kiệm được ngân sách Nhà nước. Theo ông Nga, không phải tất cả những người tiếp xúc gần (F1) đều trở thành bệnh nhân và có tới 60% những người dương tính với virus corona không có triệu chứng, tức là họ vẫn bình thường, có thể lao động, nghiên cứu, làm việc online. Vì vậy, việc đưa tất cả F1 vào cách ly tập trung khi dịch bùng phát trong cộng đồng và địa phương đã giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa là không phù hợp. Việc cách ly tập trung tất cả F1 vào một chỗ thì nguy cơ lây nhiễm từ người đã bị nhiễm virus sang người lành rất cao. Khi có nhiều F1 mang virus được tập trung vào một không gian hẹp thì nồng độ giọt bắn mang virus rơi vào không khí càng cao. Người lành sống trong môi trường đó hít thở không khí với tải lượng virus lớn thì việc nhiễm bệnh là đương nhiên. Có khi người mới vào cách ly mang virus trong người lại lây cho người đã cách ly 14 ngày và khi người này cách ly xong về nhà mới phát hiện dương tính. Đặc biệt những người già, người có bệnh nền càng dễ bị virus tấn công, cộng thêm điều kiện sinh hoạt, ăn uống, nhiệt độ nóng bức thì sức khỏe của họ rất dễ bị suy kiệt.

“Việc cách ly các F1 tại nhà có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, họ có thể tránh được lây nhiễm chéo. Thứ hai, họ có thể tự phục vụ hoặc có người khác phục vụ ăn uống, mua thực phẩm qua mạng, điều kiện vệ sinh được tốt hơn. Thứ ba, về mặt tâm lý, tinh thần họ thoải mái hơn. Thứ tư, họ vẫn tiếp tục làm việc và theo dõi sức khỏe của mình. Thứ năm, Nhà nước không phải tiêu tốn các chi phí phục vụ ăn uống, điện nước, theo dõi sức khỏe, bố trị địa điểm, tổ chức giám sát, canh phòng”, ông Nga phân tích.

Tuy nhiên, làm thế nào để bảo đảm việc cách ly F1 tại nhà an toàn, không lây nhiễm ra cộng đồng và vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh? Theo các chuyên gia, quan trọng nhất là sự tổ chức quản lý phù hợp của chính quyền địa phương nơi F1 cư trú, hướng dẫn gia đình và đối tượng F1 thực hiện đúng, giám sát, định kỳ lấy mẫu xét nghiệm. Có thể yêu cầu các F1 cùng gia đình ký cam kết trách nhiệm và thông báo cho cộng đồng biết để tham gia giám sát.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, trong việc giám sát, thông thường y tế địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, chính quyền địa phương tại khu vực nào chịu trách nhiệm khu vực đó. Phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Người chỉ định giám sát phải xem xét đánh giá đầy đủ những đối tượng nào mới có đủ điều kiện cách ly tại nhà. Người giám sát phải nắm rõ tình hình, có liên lạc với người cách ly để bất cứ lúc nào cũng có thể nắm bắt. Đồng thời, trong thời gian cách ly tại nhà, các thành viên gia đình phải được xét nghiệm Covid-19, tối thiểu 3 lần như quy định với người cách ly tập trung. “Yếu tố quan trọng nhất để công tác này thành công đấy là tạo tâm lý cho người cách ly. Hãy để họ thấy rằng giám sát là hỗ trợ họ để họ làm tốt hơn, là vì sự bình an của chính họ và gia đình họ, chứ không phải theo dõi hay kiểm soát gì quá gắt gao cả…”, ông Nhung nói.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại Samsung Bắc Ninh
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân tại Samsung Bắc Ninh

Người dân tự test nhanh: Tín hiệu tốt từ những thí điểm ban đầu

GS.TS Nguyễn Trọng Lân, Giám đốc Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện Việt Nam đã xuất hiện ba biến thể đáng quan ngại với tốc độ lây nhiễm nhanh. Đặc biệt, biến chủng Ấn Độ B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm với cấp số nhân. Do đó, đòi hỏi phải giám sát toàn diện, phát hiện “thần tốc”, chủ động tấn công, không để sót ca nào. Nếu giải quyết được triệt để F0 và F1 trong vòng 24 giờ thì sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội lây lan thứ cấp tiếp theo.

Sau khi phát hiện số lượng lớn ca nhiễm Covid-19 trong khu phong tỏa, cách ly tập trung, Bắc Giang cũng phải đối mặt với tình trạng các ca F1 đang cách ly tại nhà, tại khu trọ cũng có nguy cơ trở thành F0 rất lớn. Do đó, triển khai test nhanh là lời giải hữu ích nhất cho bài toán làm sao khống chế kịp nguy cơ dịch lan ra cộng đồng tại Bắc Giang và Bắc Ninh trong giai đoạn nóng bỏng này.

Trước tình huống cấp bách, Bộ Y tế đã phải thay đổi nhanh chóng chiến thuật xét nghiệm. Ngoài cho phép xét nghiệm PCR gộp mẫu như trước kia, lần này tầm soát diện rộng hơn nên Bộ Y tế đã cấp phép và cho phép sử dụng sinh phẩm kháng nguyên nhanh để xét nghiệm nhanh tại chỗ, kết quả có sau 15-20 phút.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là cách thức tiếp cận mới, giúp nâng cao tổng lực xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo đó, trong các khu vực cách ly phải xét nghiệm kháng nguyên hàng ngày, phát hiện dương tính đưa đi cách ly riêng ngay, không đợi xét nghiệm PCR. Test nhanh kháng nguyên cũng được khuyến khích sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí hoặc các khu vực nhiều nguy cơ khác.

Đặc biệt, một phương án cũng được Bộ gấp rút triển khai là hướng dẫn tự test nhanh tại nhà cho người dân, thí điểm tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Sáng 27/5/2021, Bộ Y tế huy động thêm 300 nhân lực (tới từ các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương…) đến tâm dịch Việt Yên, Bắc Giang để triển khai nhiệm vụ này. Chiều cùng ngày, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) đã cùng các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong khu cách ly tập trung thuộc địa bàn huyện Việt Yên tự lấy mẫu thực hiện việc test nhanh.

GS Quỳnh Mai nhấn mạnh, việc tập huấn, hướng dẫn này sẽ giúp các trường hợp F1 tại các khu cách ly tập trung chủ động tự lấy mẫu test nhanh cho nhau, giúp giảm tải rất nhiều cho lực lượng ngành y tế, dành thời gian cho họ tập trung vào những nhiệm vụ khác. Ngoài ra, việc người dân có thể tự lấy mẫu test nhanh sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình sàng lọc, nhanh chóng phát hiện và tách những trường hợp có kết quả dương tính một cách nhanh nhất ra khỏi khu vực cách ly, giảm thiểu tới mức tối đa nguy cơ lây chéo. Những trường hợp có kết quả dương tính sẽ cách ly riêng và tiếp tục làm xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR để phát hiện F0 chính xác nhất.

Nhóm lấy mẫu sẽ có 5 thành viên được phân công cụ thể theo các công đoạn hết sức rõ ràng như: Kiểm soát danh sách, đánh số thứ tự vào ống lấy mẫu, nhỏ dung dịch đệm vào các ống, chờ kết quả sau 15 phút và thống kê kết quả quá trình test nhanh.

Trong ngày 27/5, tổng số mẫu xét nghiệm đã được lấy tại Bắc Giang là 9.236 mẫu. Tổng số mẫu test nhanh tại ba ổ dịch trong ngày là 16.757 mẫu. Tổng số mẫu đã được xét nghiệm trong ngày là 5.302 mẫu. Với phương án xét nghiệm mới này, số mẫu được xét nghiệm tại Bắc Giang đã tăng gấp 2-3 lần so với đợt trước đó.

Bà Mai đánh giá, việc test nhanh nếu thực hiện chuẩn chỉ, đầy đủ các bước theo hướng dẫn, kết quả có độ chính xác lên tới 70-75% chỉ sau 15 phút kể từ thời điểm lấy mẫu.

Nếu thí điểm triển khai tự lấy mẫu cho kết quả tốt, việc người dân tự lấy mẫu test nhanh không chỉ tiến hành trong khu cách ly tập trung mà cả ở những khu vực khác. Có như vậy, Bắc Giang mới hy vọng nhanh chóng chiến thắng dịch. Và chỉ khi Bắc Giang, Bắc Ninh chiến thắng được đợt dịch thứ 4, thì Việt Nam mới không bị thất bại trong công cuộc chống Covid-19.

Biện pháp phòng ngừa biến chủng virus SARS-CoV-2 cơ bản cho cá nhân
Đà Nẵng: Thêm 7 bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19 TTTĐ - Trong ngày 26/5, trên địa bàn TP Đà Nẵng không có ca mắc Covid-19 mới và thêm 7 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động