Bức tranh Panorama có diện tích hơn 3.000m2 đã tái hiện sâu sắc "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của quân và dân ta để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Trong những ngày cả nước cùng hướng về Điện Biên anh hùng, đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội đã ghé thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nơi đặt bức tranh tròn Panorama có nội dung tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đây là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng và là bức tranh tròn đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, là bức tranh lớn thứ 3 trên thế giới. Phải mất gần 1.000 ngày để hoạ sĩ thể hiện bằng tất cả những bút pháp về hội họa, sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc và chính thức được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2022).
|
Bức tranh tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) với diện tích hơn 3.000m2, với chiều dài: 132m; cao: 20.5m; đường kính: 42m. |
Tác phẩm đã tái hiện sinh động 4.500 nhân vật trong 56 ngày cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh xuất sắc đạt giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022 và được chia thành 4 trường đoạn:
|
Trường đoạn 1: "Toàn quân ra trận". Đây là hình ảnh những đoàn người nối đuôi nhau vận chuyển hàng hoá, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Các chiến sĩ kéo pháo vào chiến trường Điện Biên |
|
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, người thực hiện bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa là đơn vị thiết kế trang trí bảo tàng đã đề xuất vẽ phác thảo bức tranh này. Sau hơn một năm hoàn thiện đề cương, bức tranh đã được tiến hành vẽ phác thảo trên nền vải với chiều cao 2,3m. Tỉnh Điện Biên sau đó cũng đã thành lập một hội đồng nghệ thuật với những chuyên gia mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, tổ chức các hội thảo với sự có mặt của những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, các nhà sử học, nhà báo để cùng tham gia đóng góp ý kiến. |
|
Trường đoạn 2: "Khúc dạo đầu hùng tráng", với điểm nhấn là trận đánh tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng trận mở màn đã giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của quân Pháp đồng thời cổ vũ các chiến sĩ của ta có thêm sức mạnh, củng cố niềm tin vào những trận đánh tiếp theo. Sau khi tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào Phân khu trung tâm Mường Thanh đánh chiếm các đồi phía Đông, trong đó có cứ điểm A1. |
|
|
Trường đoạn 3: “Cuộc đối đầu lịch sử”, tái hiện sự khốc liệt của đợt tấn công thứ 2. Hình ảnh về những hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà… phản ánh sự khốc liệt của chiến trường. Đêm 6/5/1954, giữa trận địa là cột khói bốc cao, một ánh chớp lóe sáng, kèm theo tiếng nổ lớn, rung chuyển đồi A1, đó là tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg mà quân đội và Nhân dân Việt Nam đã đặt trọn quyết tâm tiêu diệt đồi A1. Kết thúc trường đoạn bằng hình ảnh cột khói từ quả bộc phá trong lòng đồi A1. |
|
Trường đoạn 4: “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng”. Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam. |
|
Đông đảo du khách tới thăm đều bày tỏ sự ấn tượng và choáng ngợp trước một kiệt tác nghệ thuật. Tại đây, nhiều người xúc động và tự hào khi lại một lần nữa thấy được cảm giác chiến thắng của dân tộc Việt Nam. |
Quỳnh Giang
Link bài gốc
Copy link