Chàng trai “chân đất” ở Gia Lai nuôi ngựa bạch trên “ốc đảo”
Chàng trai trẻ ở Gia Lai đã phải đi khắp nơi tìm hiểu những mô hình nuôi ngựa |
Chưa được học qua trường lớp nào, nhưng thanh niên “chân đất” Nguyễn Văn Hậu (SN 1989, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã A Yun Pa, Gia Lai) đã bỏ ra hơn 500 triệu để mua giống ngựa bạch về nuôi dưỡng, thuần hóa.
Nuôi ngựa bạch trên “ốc đảo”
Để qua thăm “ốc đảo” của anh Hậu, chúng tôi phải di chuyển bằng thuyền mất khoảng gần 10 phút, qua con sông Ba. Ngay khi cập bờ, đã nghe tiếng ngựa hí lên như chào khách…Nhìn xung quanh, hàng chục con ngựa đang say sưa gặm trên đồi cỏ xanh mướt, không gian yên ả như đứng ở một thảo nguyên xa xôi.
Hậu bộc bạch về quá trình xây dựng trang trại, năm 2014, lúc đó Hậu mới 24 tuổi nhưng đã nuôi chí lớn làm giàu trên vùng “chảo lửa” Đông Nam Gia Lai. “Mình không được học hành, xuất thân từ nhà nông nên mình rất muốn có thể xây dựng một trang trại đặc biệt trên vùng đất đai, cằn cỗi, nóng như “đổ lửa” này - Hậu chia sẻ.
Chính vì vậy, mình đã đi khắp nơi tìm hiểu những mô hình hay, cách xây dựng trang trại hiệu quả để về nghiên cứu trên mảnh đất quê hương mình”, anh Hậu bộc bạch.
Chính thôi thúc ấy đã hướng đến cho cậu đến mô hình nuôi ngựa bạch thông qua những người thân quen giới thiệu. Dù chưa nuôi ngựa, nhưng qua một quá trình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thì chàng trai trẻ đã quyết định mang hơn nữa tỷ để mua 8 con ngựa.
Hậu là người đâu tiên đem mô hình này về Gia Lai. |
Theo đó, năm 2016, khi kinh nghiệm đã vững vàng, anh Hậu đã quyết định sang Trung Quốc mua 3 con ngựa bạch với giá hơn nữa tỷ.
Chưa hài lòng, anh Hậu đến tiếp các trung tâm giống ngựa bạch lớn trong cả nước để mua thêm 5 con ngựa giống Việt Nam với giá mỗi con khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Anh Hậu chia sẻ: “Tôi đưa ngựa về “ốc đảo” xã Ia Rsai (huyện Krông Pa), thấy nó rất phù hợp với mô hình nuôi ngựa, vì có nước vô tận của sông Ba, có đồi cỏ rộng lớn khắp dãy núi, sự tách biệt yên tĩnh khiến cho ngựa phát triển. Ngoài ra, tôi cũng ước mơ xây dựng nên mô hình trang trại V-A-C gắn với du lịch sinh thái…”.
“Mới đầu, khi tôi bỏ số vốn hàng trăm triệu đồng để mua ngựa thì cả nhà bảo điên vì sợ mô hình thất bại. Mới đầu, không hiểu bệnh nên cũng có chết một vài chú ngựa. Tuy nhiên, tôi cũng tìm tòi, học hỏi để xác định nguyên nhân để kịp thời chữa trị. Đến nay, đàn ngựa bạch của tôi cũng được hơn 20 con được chăn trên “ốc đảo” này” - anh Hậu cho hay.
Nuôi ngựa bạch nấu cao là mô hình kinh tế còn rất mới mẻ ở Gia lai |
Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, ở Gia Lai chưa có mô hình nào nuôi ngựa bạch. Thanh niên Hậu là người đâu tiên đem mô hình này về.
Điều nay rất đáng khích lệ và địa điểm nuôi là vùng "chảo lửa" tương đối phù hợp với sự phát triển của ngựa bạch. Tuy nhiên việc nấu cao ngựa đòi hỏi qui trình nghiêm ngặt, nếu thanh niên Hậu làm được điều đó, đồng thời tạo dựng được thương hiệu, uy tín thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao”.
Kết hợp nuôi ngựa bạch với du lịch
Trải qua những thất bại, anh Hậu đã rút cho mình được những kinh nghiệm “xương máu”. Từ đó, chàng trai trẻ này đã tự tay mình nghiên cứu, nhân giống và thuần chủng ngựa vào nhiều mục đích khác nhau để phát triển kinh tế.
Giống ngựa bạch cái Tây Tạng được Hậu nhân giống thành công |
Trao đổi với PV Tuổi trẻ và Pháp luật Hậu chia sẻ: “Thực ra nuôi ngựa này rất dễ, ngựa rất khó bệnh nhưng đã bệnh thì chết nhanh nên cần phải phát hiện sớm. Vì giống ngựa có ruột thẳng nên khi bị đau bụng ngựa thường bị chết rất nhanh. Khi phát hiện bệnh cần có phương pháp chữa trị nhanh và nuôi ở vùng không bị ô nhiễm, cách xã khu dân cư…”.
Đến nay, sau 3 năm chăm sóc, đàn ngựa của Hậu đang phát triển khá tốt. Các con ngựa bạch cái Tây Tạng cũng được anh nhân giống thành công khi đẻ thêm nhiều ngựa con.
Ngoài ra, trong tay chàng trai trẻ 8X còn có một trang trại rộng hơn 3ha trồng cam, dừa...Với những đặc thụ là một vùng đất bao quanh bởi nước, nguồn tài nguyên dồi dạo nên anh Hậu đang dự sẽ mở rộng đi theo hướng du lịch sinh thái. “Tôi nhận thấy những tiềm năng của ốc đảo nên đang có tham vọng sẽ quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với các loại động vật đặc hữu của Tây Nguyên. Sắp tới, em sẽ làm 10 căn nhà sàn, đồng thời nhập nai, lạc đà, hươu sao…để mọi người đến tham quan. Đồng thời, mở rộng mô hình trái cây hữu cơ và du thuyền trên sông Ba…” - Hậu chia sẻ.
Đàn ngựa bạch của Hậu hiện có giá hàng tỷ đổng |
Ông Trần Văn Trong (Phó Chủ tịch Thường trực Hội doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai) đánh giá: “Thanh niên Hậu là người rất đam mê học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ những anh chị đã thành đạt.
Hội luôn khuyến khích, động viên những doanh nhân trẻ táo bạo có những bước đi độc lập. Đồng thời tạo điều kiện, tìm nguồn vốn để những bước đi ấy phát triển.
“Sắp tới, hội sẽ thành lập đoàn xuống thăm, đánh giá, sau đó đưa ra những lời khuyên, định hướng để phát triển mô hình ngựa bạch đầu tiên tại Gia Lai này theo hướng hiệu quả, chất lượng…”- Ông Trong thông tin.