Câu chuyện BlackPink chưa hết “nóng”

Dẫn câu chuyện BlackPink biểu diễn tại Hà Nội đã thu về hơn 300 tỷ đồng chỉ trong 2 đêm diễn, đại biểu quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho hay, dư địa phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là rất lớn và tránh tư duy văn hóa chỉ để giải trí.
Show diễn của BlackPink mang đến 630 tỷ đồng cho du lịch Hà Nội Hà Nội trọng nghĩa trọng tình! Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi thư cảm ơn BlackPink và khán giả hâm mộ

Tránh tư duy văn hóa chỉ để giải trí

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển, do đó cần tránh tư duy văn hóa chỉ để giải trí mà cần phải đầu tư nhiều hơn cho sáng tạo, phát triển văn hóa.

Nhận định nhiều sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, hành động của các cấp, các ngành liên quan đến văn hóa kể từ sau Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 cũng như Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, ông Nghĩa cho rằng, cần phải quan tâm đến việc phát triển văn hóa và xem đây là nền tảng, là “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước.

Câu chuyện BlackPink chưa hết “nóng”

Đại biểu quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Theo đại biểu này, Chính phủ đặt mục tiêu công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đạt doanh thu 31 triệu USD, trong khi đó hai đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội đã thu về hơn 300 tỷ đồng (hơn 13 triệu USD), nghĩa là gần một nửa mục tiêu của công nghiệp văn hóa nước nhà.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề cập đến “nhiều vấn đề phải suy nghĩ”, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đó là, nhà hát không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát. Có những đơn vị quản lý tới 5 khu đất ‘vàng’ ở trung tâm thành phố nhưng chỉ vận hành một điểm, các địa điểm còn lại thì bỏ hoang hoặc cho thuê. Ngược lại, nhiều đoàn nghệ thuật không có nhà hát, phải đi thuê để tập luyện, biểu diễn. Trong khi đó, có những nghệ sỹ đã hành nghề 10 năm nhưng vẫn phải rời nhà hát vì không có biên chế.

Cần bố trí nguồn lực để phát triển văn hóa

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cũng bày tỏ quan điểm, các cấp lãnh đạo cần loại bỏ suy nghĩ đề cao kinh tế mà xem nhẹ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xem văn hoá là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế. Ông Phương cho rằng việc phát triển văn hóa chưa tương quan với phát triển kinh tế, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này, có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay.

“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế. Đây là yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị, nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hóa phát triển tương xứng, hài hòa với các lĩnh vực trọng yếu khác,” đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn từng chia sẻ, việc ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa rất quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững dựa trên những giá trị nhân văn.

Câu chuyện BlackPink chưa hết “nóng”
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn

Theo ông, năm 2024 và đặc biệt là năm 2025 sắp tới sẽ có rất nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước: 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 70 năm Chiến thắng Điện Biên, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày Quốc khánh, 80 năm thành lập ngành văn hóa... Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp từ những sự kiện quan trọng này. “Chúng ta phải đầu tư để có những sản phẩm xứng tầm thời đại, còn mãi với thời gian mà các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cần có thời gian để hình thành và kết tinh thành giá trị. Do đó, nếu Nhà nước phân bổ ngân sách theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” thì khó mà có được những tác phẩm chất lượng”- ông nói.

Bảo Phương
Phiên bản di động