e magazine
28/12/2024 09:52
Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình

28/12/2024 09:52

Chương trình số 07-CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt và triển khai thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự nỗ lực từ các cấp, các ngành địa phương, chuyên gia, người dân… trên địa bàn Thành phố, Chương trình 07-CTr/TU đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành lực đẩy quan trọng giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Khai thác tiềm năng văn hóa và lịch sử của Thủ đô từ du lịch sông Hồng
Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình

Chương trình số 07-CTr/TU về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt và triển khai thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, sự điều hành của UBND Thành phố, sự nỗ lực từ các cấp, các ngành địa phương, chuyên gia, người dân… trên địa bàn Thành phố, Chương trình 07-CTr/TU đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trở thành lực đẩy quan trọng giúp Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Công nghệ nâng bước văn hóa, du lịch

Những ngày đầu tháng 12/2024, du khách đến với Hà Nội có cơ hội tham gia sự kiện khá đặc biệt, đó là chương trình quảng bá "Phở số Hà Thành” nhằm quảng bá hình ảnh "Phở Hà Nội" nói chung và "Phở số Hà Thành" nói riêng đến người dân Thủ đô với ứng dụng công nghệ mới trong ngành ẩm thực.

Chương trình không chỉ tôn vinh món phở truyền thống của Hà Nội mà còn khẳng định cam kết của thành phố Hà Nội trong việc chuyển đổi số, một yếu tố thiết yếu để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 bắt kịp xu hướng thời đại mới của thế giới, giúp người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cuộc sống hằng ngày.

Điểm nhấn đặc biệt năm nay tại gian hàng "Phở số" chính là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và công nghệ. Lần đầu tiên, những chiếc robot thông minh tham gia vào quá trình chế biến và phục vụ, mang đến một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Những robot này không chỉ giúp thái thịt, nấu nước dùng mà còn mang bát phở nóng hổi, chuẩn xác đến tay thực khách, đảm bảo món ăn được phục vụ nhanh chóng mà vẫn giữ trọn vẹn hương vị truyền thống.

Mặc dù công nghệ đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ, phở Hà Thành vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn Thủ đô. Nước dùng ngọt thanh từ xương hầm, thịt bò mềm mịn và gia vị thơm nồng như hành tây, gừng, quẩy, chanh vẫn là những yếu tố không thể thiếu. Chính sự kết hợp giữa tinh hoa ẩm thực và sự hỗ trợ của robot đã tạo nên một món ăn vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng nhu cầu của mọi thực khách.

Nhờ ứng dụng công nghệ, những chiếc robot phục vụ không chỉ giúp giảm thời gian chờ đợi mà còn tạo thêm sự thú vị, độc đáo trong trải nghiệm ẩm thực. Sự kết hợp giữa công nghệ và truyền thống của tên gọi "Phở số Hà Thành" giúp nâng cao giá trị của món phở và góp phần lan tỏa giá trị món ẩm thực đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình
Robot tham gia chế biến món phở truyền thống
Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình
Du khách hào hứng theo dõi việc đưa công nghệ vào ẩm thực

Mở rộng hơn, làn sóng công nghệ số đang định hình lại quy trình sản xuất các món ăn truyền thống, góp phần tạo nên sự thay đổi lớn lao trong kinh doanh ẩm thực. Ví dụ, đối với Trước đây, người thợ tráng bánh phở thủ công sử dụng vải màn mỏng trên chảo nước sôi để làm ra những tấm bánh phở đầy đặc tính truyền thống. Tuy nhiên, quy trình này đang dần được thay thế bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo kiểm soát chính xác nhiệt độ và độ ẩm, giúp tăng độ đồng nhất và an toàn cho sản phẩm.

Cùng với đó, mô hình kinh doanh phở truyền thống đang trải qua những biến đổi lớn trong thời đại số. Sau đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của khách hàng đã chuyển hướng sang đặt hàng để mang về, đặc biệt đối với mặt hàng phở đòi hỏi độ tươi ngon. Vì thế, các quán bún chả, ném rán, chả cá, hay phở của Hà Nội nay không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn mở rộng trên các nền tảng đặt hàng trực tuyến như GrabFood, ShopeeFood...

Trước đòi hỏi của thời đại công nghệ, ngành kinh doanh thực phẩm đang thích ứng với xu hướng số hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng giao đồ ăn được cấp phép hoạt động. Các cửa hàng đang áp dụng hệ thống quản lý bán hàng điện tử (POS) được cơ quan thuế chứng nhận, giúp minh bạch hóa doanh thu và tối ưu quy trình vận hành.

Các hệ thống quản lý bán hàng POS đã được tích hợp với phần mềm kế toán và quản lý kho, giúp các quán phở theo dõi nguồn nguyên liệu và doanh thu trong thời gian thực. Một số thương hiệu như phở trên phố Lò Đúc đã áp dụng thành công mô hình này, giúp tăng tính chuyên nghiệp và đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ blockchain cũng bám rễ mặt trong việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Tại một số đơn vị, blockchain đã được áp dụng để truy xuất xuất xứ thịt bò, gạo và các loại gia vị. Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên bao bì sản phẩm để xem được chi tiết nguồn gốc nguyên liệu, tăng tính minh bạch và độ tin cậy.

Vô hình chung, công nghệ và ẩm thực đang kết hợp một cách ngọt ngào, từ đó, nâng tầm giá trị của ngành thực phẩm, góp phần hiệu quả vào công cuộc chuyển đổi số của Hà Nội.

Không chỉ gói gọn trong ngành ẩm thực, nhiều năm qua, Thủ đô Hà Nội đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động du lịch, đồng thời thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin thêm, việc số hóa giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan. Sở Du lịch Hà Nội còn phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều tiện ích khác, như: Bản đồ số các điểm đến, địa chỉ ẩm thực cho du khách.

Những con số biết nói đã phản ánh rõ nét sự tăng trưởng vượt bậc: 27,86 triệu lượt khách ghé thăm Thủ đô, trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế - chiếm hơn 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu từ du lịch đạt 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,3% so với năm trước, minh chứng cho sức hút không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Nhờ đó, thương hiệu du lịch Hà Nội năm 2024 còn tỏa sáng rực rỡ trên bản đồ du lịch thế giới khi liên tiếp được vinh danh với những giải thưởng danh giá. Danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới” từ World Travel Awards như những điểm nhấn gold khẳng định vị thế của Thủ đô. Việc góp mặt trong “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới” do Euromonitor International bình chọn càng củng cố thêm uy tín của điểm đến Hà Nội trên trường quốc tế.

Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình
Du khách háo hức trải nghiệm không gian thực tế ảo tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm)

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 thấy: Nét nổi bật là các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

Điển hình là trong sản xuất nông nghiệp, như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm…

Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu.

Cụ thể, Chương trình đặt ra mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%. Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 224 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 144 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đến nay, Hà Nội đã có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Chương trình cũng đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm. Trong đó, trình độ phát triển của doanh nghiệp là một chỉ số thành phần của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo.

Đáng lưu ý, năm 2024, ngân sách thành phố bố trí 110 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó 69,124 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp; 40,876 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát, gây khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025...

Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình
Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Tạo “hành lang” phát triển công nghệ cao

Sự ra đời và đi vào cuộc sống của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được giới khoa học đón nhận bằng thái độ tích cực. Không ít các học giả đánh giá, Bộ luật này sẽ góp động lực quan trọng để Hà Nội phát triển bứt phá trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) rất quan trọng với Hà Nội, giúp thành phố xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển đổi số của Hà Nội nhanh hơn. Để hướng tới mục tiêu đó, phải xác định chuyển đổi số là lĩnh vực cần đẩy mạnh trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Nội thúc đẩy quá trình xây dựng Thủ đô thành thành phố thông minh trong thời gian tới.

Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024 phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố là điều kiện rất tốt, mở ra kỷ nguyên mới cho khu công nghệ cao ở Hà Nội. Đồng thời, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc mà các khu công nghệ cao đang gặp phải.

Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình

Với nội dung này, bà Phan Thị My, Quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024 là hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian tới.

Theo đó, Điều 24 đã xác định Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.

Quyền Trưởng ban, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phấn khởi thông tin, để thực hiện được mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao của Thành phố, trong đó trọng tâm là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội.

Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về phân cấp ủy quyền mạnh mẽ cho Ban Quản lý để thực hiện cơ chế một cửa tại chỗ, từ đó giúp cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, đơn giản nhất.

Đồng thời, Dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao của Thành phố được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng giao HĐND Thành phố quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao; phát triển nhà ở cho người làm việc trong khu công nghệ cao.

Ông Trần Đắc Trung, Phó ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thông tin, đơn vị đã triển khai lấy ý kiến góp ý dự thảo các Nghị quyết triển khai Luật Thủ đô 2024 và xây dựng dự thảo quy định chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Dự kiến các Nghị quyết này sẽ được trình HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. Các cơ chế vượt trội được coi là cơ sở giúp Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn. Các công nghệ được thu hút đầu tư phải có tiềm năng dẫn dắt và nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu, từng bước đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, tiếp nhận chuyển giao, đổi mới và sáng tạo công nghệ hàng đầu cả nước, là cầu nối về công nghệ giữa Việt Nam và thế giới.

Lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, mục tiêu sau năm 2030, đơn vị trở thành thành phố khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng. HHTP tập trung đầu tư và phát triển theo chiều sâu, dần chuyển đổi các hoạt động sản xuất công nghiệp sang hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm, đào tạo, ươm tạo.

Đổi mới, sáng tạo trở thành lực đẩy cho Thủ đô vươn mình

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng của Chương trình số 07 là góp phần để tinh thần chuyển đổi số lan tỏa đến cộng đồng và mỗi người dân, để mỗi người dân nhận thấy sự cần thiết phải ứng dụng chuyển đổi số. Trong đó, thành công phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm của người đứng đầu. Công cuộc chuyển đổi số chỉ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc, do đó, cần tạo sự chủ động cho người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng chuyển đổi số…

Bài: Vũ Cường, Hoài Sơn
Đồ họa: Tâm La

Vũ Cường