Cần xác định rõ người quản lý di sản để có bản án công bằng
Như Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh, sau 64 năm quản lý tài sản mà bố mẹ để lại, bà Nguyễn Thị Thật được UBND TP Lạng Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 626,7m2. Do tuổi già sức yếu, bà Thật đã có giấy ủy quyền giao cho chị Liên quản lý.
Khi bà Thật vừa qua đời, bà Chính và bà Chín quay sang đòi cô cháu gái (chị Liên con bà Thật) phải phân chia số đất được cấp sổ đỏ khiến vụ án trở thành vụ án “nồi da xáo thịt” khiến nhiều người cảm thấy bất bình. Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm và HĐXX cấp tòa sơ thẩm tuyên chị Liên phải chia cho bà bà Chính 184 m2 và bà Chín 197m2 trên tổng số diện tích 626,7m2.
Bà Liên bức xúc vì hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch |
Nhận thấy bản án sơ thẩm của TAND TP Lạng Sơn vi phạm về tố tụng, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy án. Tuy nhiên, thay vì xem xét đề nghị của VKSND tỉnh Lạng Sơn, TAND tỉnh này đã “phớt lờ” kháng nghị hủy án mà tuyên y án theo như bản án sơ thẩm khiến gia đình bị đơn bức xúc.
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng LS Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, trong vụ án này, tòa án xác định di sản thừa kế là thửa đất 626,7m2 thuộc thửa số 109, tờ bản đồ địa chính số 47 phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn trước đây thuộc quyền sở hữu của cụ Nguyễn Văn Chung (mất năm 1940) và cụ Nguyễn Thị Lạng (mất năm 1991) mà hiện nay bà Nguyễn Thị Thật đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, TAND các cấp phải xác định người quản lý di sản đã có công khi quản lý bảo quản di sản không bị mai một |
Như vậy, trước tiên Tòa án cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định quyền sử dụng đất nêu trên có phải là di sản thừa kế của cụ Chung và cụ Lạng hay không.
Nếu có cơ sở xác định thửa đất đó là di sản thừa kế của cụ Chung và cụ Lạng để lại thì Tòa án sẽ xác định di sản thừa kế này thuộc trường hợp chia theo di chúc (trường hợp có di chúc) hay phân chia theo pháp luật (trường hợp không có di chúc). Nếu có đương sự xuất trình di chúc thì Tòa án phải xác định di chúc đó có hợp pháp hay không. Trường hợp không có di chúc do người có di sản để lại thì Tòa án xác định người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trong vụ án trên thì bà Chính, bà Chín, bà Thật là những người thừa kế của cụ Chung và cụ Lạng.
Viện KSND tỉnh Lạng Sơn đề nghị hủy án sơ thẩm nhưng tòa án tỉnh Lạng Sơn cương quyết không nghe |
Việc phân chia di sản thừa kế được quy định như sau: Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng còn thiếu; Chi phí cho việc bảo quản di sản; Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; Tiền công lao động; Tiền bồi thường thiệt hại; Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; Tiền phạt; Các chi phí khác. Sau khi thanh toán các chi phí này thì tài sản thừa kế được chia như sau: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Viện KSND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ ra một số vi phạm tố tụng của TAND TP Lạng Sơn |
Như vậy trong vụ án trên di sản thừa kế của cụ Chung và cụ Lạng sẽ phải thanh toán các chi phí khác trước khi phân chia, trong đó có chi phí bảo quản di sản. Nếu người quản lý di sản đã thực hiện tốt các nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định, thì họ đã có công trong việc giữ gìn, bảo tồn di sản, làm cho khối di sản không bị mai một, mất mát theo thời gian. Đây là một loại lao động có ích và vì lợi ích của các thừa kế. Vì vậy công sức mà người quản lý di sản đã bỏ ra là cơ sở cho việc người thừa kế phải trả thù lao cho họ.
Về mặt từ ngữ: Bộ luật Dân sự đã dùng từ “Chi phí cho việc bảo quản di sản”, còn trong thực tiễn xét xử các Tòa án thường dùng từ trích công sức cho người quản lý di sản. Đây là hình thức trả công để bù đắp lao động đã bỏ ra, căn cứ vào thời gian lao động. Hình thức lao động ở đây là hành động giữ gìn, bảo tồn di sản. Vì vậy, về mặt lý thuyết, nếu số lượng và chủng loại di sản như nhau thì thời gian phải trông coi, giữ gìn, bảo tồn di sản càng dài thì thù lao càng phải lớn.
Không hiểu vì điều gì mà TAND tỉnh Lạng Sơn vẫn tuyên y án sơ thẩm khiến người dân bức xúc |
Trong vụ án này, bà Thật và các con là người quản lý di sản thừa kế do đó theo quy định pháp luật thì những người này được thanh toán chi phí bảo quản di sản. Việc chia thừa kế phải xác định công sức của bà Thật trong việc quản lý, giữ gìn tài sản để phân chia hợp lý.
Thế nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm phân chia cho bà Thật 244,6m2, bà Chính 184 m2 và bà Chín 197m2. Còn phía VKSND tỉnh Lạng Sơn lại cho rằng việc chia cho bà Thật hơn 244m2 là không tương xứng với công sức của bà Thật trong suốt 64 năm quản lý, gìn giữa tài sản, việc chia thừa kế phải xác định công sức của bà Thật trong việc quản lý, giữ gìn tài sản ít nhất phải bằng một kỷ phần thừa kế mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà Thật.
TAND cấp cao tại Hà Nội đang xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Liên theo quy định của pháp luật |
Khi xét xử, Tòa án thường phải dựa vào thực tế quản lý, sử dụng, bảo quản di sản của đương sự, các chứng cứ tài liệu mà đương sự cung cấp về việc giữ gìn, bảo quản di sản đó. Điều 108 Bộ luật tố dụng dân sự 2015 quy định việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ. Do đó để kết luận việc Tòa án phân chia di sản cho các đương sự đã hợp lý hay chưa thì cần phải xem xét các chứng cứ, tài liệu mà các đương sự cung cấp về quá trình quản lý, bảo quản di sản thừa kế đó.
Người dân đang mong ngóng một bản án khách quan, công bằng của TAND cấp cao tại Hà Nội |
Trường hợp bà Liên (con bà Thật) cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bà thì có quyền gửi đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này.
Liên quan đến việc này, đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết đang xem xét theo thủ tục Giám đốc thẩm vụ việc của bà Liên theo quy định của pháp luật.