Can thiệp nội mạch thành công ca mắc u ác ở lưỡi, chảy máu cấp

Ngày 10/1/2023, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân xuất huyết từ lưỡi bằng phương pháp chụp và nút động mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA).
BN1465 tổn thương phổi, suy hô hấp nặng, xem xét can thiệp ECMO Nữ bệnh nhân nặng mắc COVID-19 đã không còn phải can thiệp ECMO Nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch Việt Nam đạt tầm cỡ quốc tế

Bệnh nhân nam T.H (65 tuổi, địa chỉ ở Sóc Trăng), được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 22h50 ngày 4/1/2023 với chẩn đoán u ác tính ở lưỡi, xuất huyết, rối loạn đông máu.

Tình trạng bệnh nhân lúc vào viện huyết áp thấp, mạch nhanh, da niêm nhạt, chóng mặt, miệng có nhiều máu đông màu đen, máu đỏ tươi đang chảy ra từ miệng.

Bệnh nhân phát hiện bị u ác tính ở lưỡi cách đây khoảng 2 năm và đang điều trị. Cách thời điểm nhập viện khoảng 20 giờ, bệnh nhân chảy máu miệng lượng nhiều, khó cầm. Người nhà đã đưa đến cơ sở y tế địa phương xử trí cấp cứu và nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Can thiệp nội mạch thành công ca mắc u ác ở lưỡi, chảy máu cấp
Hình ảnh trước và sau can thiệp cho bệnh nhân

Do có thông tin thông báo từ tuyến trước, ê kíp can thiệp nội mạch đã chuẩn bị sẵn sàng. Khi bệnh nhân vừa đến bệnh viện đã được xử trí cấp cứu tiến hành truyền dịch chảy nhanh; Truyền 2 đơn vị hồng cầu toàn phần, 5 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và nhanh chóng chuyển đến phòng can thiệp mạch.

Ê kíp can thiệp mạch quyết định can thiệp cầm máu bằng phương pháp chụp và nút mạch các khối u số hóa xóa nền (DSA). Kết quả ghi nhận nhiều nhánh tân sinh mạch vùng hầu, họng, lưỡi được cấp máu từ nhánh của động mạch cảnh ngoài hai bên; Chọn lọc vị trí có tân sinh mạch tiến hành bơm tắc bằng hạt nhựa (PVA-polyvinyl alcohol), kiểm tra thấy tắc hoàn toàn sau 80 phút can thiệp; Tình trạng huyết động ổn. Hiện tại bệnh tỉnh, không chảy máu tái phát, dự kiến ra viện trong ngày 11/1/2023.

Theo y văn, xuất huyết vùng đầu cổ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và thường là tình trạng đe dọa tính mạng.

Việc định vị vị trí xuất huyết có vai trò rất quan trọng trong xử trí xuất huyết vùng đầu cổ. Khi xác định được vị trí chảy máu, tùy vào mức độ nghiêm trọng của chảy máu, các bác sĩ sẽ có thể lên kế hoạch can thiệp chính xác. Trong những trường hợp không thể định vị được vị trí chảy máu, ung thư vùng đầu cổ thường là nguyên nhân hay gặp nhất do khối u xâm lấn hoặc chảy máu tự phát bên trong khối u.

Tỷ lệ chảy máu trong u chiếm tỷ lệ khoảng 6-14% tùy theo vị trí và kích thước u, trong đó khoảng 6% số trường hợp là chảy máu cấp tính gây tử vong cho người bệnh. Ngoài ra, việc vỡ các mạch máu lớn tuy hiếm nhưng thường dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, cần được đánh giá đầy đủ.

Can thiệp nội mạch thành công ca mắc u ác ở lưỡi, chảy máu cấp
Bệnh nhân nam T.H (65 tuổi, địa chỉ ở Sóc Trăng) đã ổn định, không chảy máu lưỡi tái phát

Vấn đề điều trị bảo tồn luôn được đặt ra đầu tiên trong điều trị xuất huyết vùng đầu cổ. Tuy nhiên, nếu các phương pháp này tỏ ra không hiệu quả, việc can thiệp nội mạch được xem xét đến vì những ưu điểm trong việc định vị vùng chảy máu và cầm máu tại chỗ, từ đó ổn định tình trạng bệnh nhân gần như lập tức và hoàn toàn.

Đây được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, nhanh chóng và xâm lấn tối thiểu.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ ứng dụng can thiệp nội mạch trong điều trị u vùng đầu mặt cổ ngày càng tăng, đặc biệt trong các trường hợp chảy máu cấp tính. Nhờ sự phát triển về kỹ thuật và dụng cụ can thiệp cũng như các vật liệu nút mạch nên can thiệp nội mạch đã được áp dụng với các chỉ định rộng rãi…

Chảy máu cấp tính là một biến chứng nặng nề đối với những bệnh nhân ung thư vùng đầu mặt cổ. Điều trị can thiệp nội mạch là một phương pháp có hiệu quả cao, tỷ lệ thành công 70-99% .

Tuy nhiên, đây được xem là kĩ thuật cao, đòi hỏi phải có hệ thống máy móc chuyên dụng và các nhân sự được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm.

Hoàng Châu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động